Ba mươi chưa phải là Tết

NPV – Sáng thứ Hai 11-6, khá bất ngờ là người dân Sài Gòn tiếp tục xuống đường biểu tình để phản đối dự luật an ninh mạng mà nhiều khả năng các vị đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút thông qua vào ngày 12-6-2018.

Cùng nhìn lại lát cắt nhanh cuộc biểu tình rộng khắp diễn ra vào Chủ nhật 10-6.

Cuối giờ chiều 10-6, nhiều người lấy lý do phản đối dự thảo luật về đặc khu đã xô ngã cổng tràn vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận trên đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Phan Thiết để la hét, đốt phá.  Sự việc kéo đài đến tận nửa đêm về sáng 11-6.

Khu vực Nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn lúc 8g, có một thanh niên dáng vẻ như học sinh đang đứng trước cổng Bưu điện TP, lưng đeo ba lô, bất ngờ bị một người đàn ông trung niên kẹp chặt cổ leo đi kèm lời đe dọa về cuộc biểu tình. Mọi người không ai phản ứng. Sau đó có một cãi vã nhỏ giữa lực lượng an ninh thường phục với một nhóm Phật tử phía trước sân Bưu điện TP, nơi đang có nhóm đông nữ áo dài tím đang tụ tập.

Ghi nhận trực tiếp tại trung tâm Sài Gòn, cuộc biểu tình bất ngờ bùng phát với sự xuất hiện của đoàn người đi từ hướng Dinh Độc Lập về tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ. Khi ngang qua phía sau Nhà thờ Đức Bà, lập tức có sự hưởng ứng từ nhóm phật tử đến từ Củ Chi đang có mặt gần đường sách. Lúc đó là 8g20, khi ấy nhóm người dưới chân tượng Nữ Vương Hòa Bình vẫn đang tụ tập, giơ các biểu ngữ phản đối dự luật đặc khu, dự luật an ninh mạng cùng nhiều khẩu hiệu kêu gọi tự tôn dân tộc chống họa Bắc thuộc Trung Quốc.

Đi đầu đoàn biểu tình là một người đàn ông trung niên ngồi xe lăn, phía sau là nhóm phật tử cùng vài nhà tu hành áo nâu sòng và một vị cà sa vàng được cho là đệ tử của Hòa thượng Thích Không Tánh. Vị này được biết là trụ trì chùa Liên Trì 2 tại huyện Củ Chỉ, Sài Gòn. Đoàn biểu tình dừng chân trước tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, sau đó quay lại hướng Nhà thờ Đức Bà. Đoàn dừng chân vài phút ở cổng sau của tòa Tổng Lãnh sự Pháp.

Sau đó đoàn lặp lại đoạn đường cũ. Khoảng 9g thì bất ngờ nhóm người ở trước Nhà thờ Đức Bà bước nhanh xuống đường Đồng Khởi, hướng thẳng về phía trụ sở ủy ban nhân dân thành phố. Rất nhanh và rất đông sau đó có sự hưởng ứng của dân chúng.

Không có sự cản trở nào từ lực lượng an ninh thường phục, cảnh phục và cả màu áo dân quân tự vệ thuộc lực lượng quân sự. Đến ngoài 10g, barie dựng chắn ngay ngã tư Hai Bà Trưng – Lê Duẫn, ngăn đoàn người biểu tình tiếp tục trở lại phía 2 tòa Tổng Lãnh sự.

10g30, trước cổng Tổng Lãnh sự Trung Quốc trên đường Hai Bà Trưng vắng vẻ, nhưng gần đó thì dày đặc sắc phục.

Cũng buổi sáng Chủ nhật 10-6, khu vực công viên Hoàng Văn Thụ đã kẹt cứng vì đoàn người biểu tình. Nơi đây xảy ra đàn áp người biểu tình ngay từ đầu, song cuộc biểu tình vẫn diễn ra mỗi lúc càng đông đúc hơn.

Khoảng gần 11g thì bắt bớ ở khu vực trung tâm quận 1 bắt đầu thô bạo hơn, khi nhóm người biểu tình tuổi trung niên bị bắt giữ lúc ngoài 10g. Tuy nhiên cuộc biểu tình vẫn diễn ra với sự hưng phấn của đám đông, nhưng vẫn ôn hòa, không có những kích động.

Biểu tình phản đối dự luật đặc khu, dự luật an ninh mạng còn đồng thời diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Tại Bình Dương, mặc dù công an đã bố ráp dày đặc từ hôm trước đó thứ Bảy 9-6, kể cả việc lên sóng truyền hình Bình Dương để khuyến cáo công nhân các khu công nghiệp nơi đây đừng “bị dụ dỗ” tham gia biểu tình sáng Chủ nhật 10-6, song có lẽ từ hiệu ứng của cả ngàn công nhân Pouchen Tân Tạo Sài Gòn biểu tình vào đầu giờ trưa 9-6, nên Chủ nhật 10-6 cuộc biểu tình ở Bình Dương diễn ra mạnh mẽ với việc người biểu tình không ngại va chạm với lực lượng cảnh sát chống bạo động được trang bị đầy đủ khí tài.

Hàng loạt clip về cuộc biểu tình tại thị trấn Phan Rí Cửa của tỉnh Bình Thuận đã tràn ngập các trang cá nhân facebook. Bất ngờ không kém là người biểu tình nơi đây đã phản ứng bằng sức mạnh cơ bắp của đám đông khi có người trong đoàn biểu tình bị công an bắt giữ.

Câu hỏi đặt ra là vì sao các cuộc biểu tình phản đối dự luật đặc khu, dự luật an ninh mạng, phản đối sự lệ thuộc vào Trung Quốc lại diễn ra với số rất đông người tham gia kéo dài ít nhất từ 8g sáng cho tới tận khi màn đêm buông xuống vẫn chưa kết thúc, song không có nhiều cảnh công khai bắt bớ, đánh đập đầy thô bạo như các cuộc biểu tình vào tháng 5-2016?

Tại khu trung tâm Sài Gòn sáng Chủ nhật 10-6, hầu như các bộ đàm của nhân viên công lực liên tục có tin về diễn biến biểu tình ở các nơi, kèm theo những mệnh lệnh tăng cường hỗ trợ lực lượng để gìn giữ trật tự. Không khí chung cho thấy khá ôn hòa, người dân dừng xe đứng xem biểu tình được nhắc nhở là lên lề và nhớ trông xe cẩn thận. Thậm chí có nhiều nhân viên sắc phục đứng đầu đường Đồng Khởi – Nguyễn Du còn hướng dẫn nơi gửi xe nếu người dân muốn theo đoàn biểu tình.

Sáng thứ hai 11-6, biểu tình tiếp tục diễn ra. Một nghi vấn về kịch bản các cuộc biểu tình này là phải chăng có bàn tay đạo diễn của phe nhóm nào đó. Liệu có phải đây là bước đệm cho cú thay đổi ngoạn mục lật đổ một ai đó trên chính trường?

Ba mươi chưa phải là Tết!