Bồn Lừa trong thiên đường mơ ước

NPV – Thế giới cầu trường ở miền Nam Việt Nam không hề ‘xôi thịt – gái gú’ như bây giờ. Tổng cục Túc cầu của miền Nam Việt Nam cũng khác xa một trời, một vực với Tổng cục Thể dục Thể Thao thời sau tháng 4-1975. Dường như mấu chốt của mọi khác biệt này chính là nền giáo dục.

Xin giới thiệu ở đây những bình phẩm về “Bồn Lừa” nói về thế giới cầu trường của Sài Gòn trước 1975, qua đó có thể nhận ra vai trò của nền giáo dục đã ảnh hưởng ra sao đến các thế hệ.

“Tác phẩm Thằng Vũ của Duyên-Anh làm cho lớp độc giả người lớn thích thú bao nhiêu thì lớp thiếu niên cũng say mê Bồn lừa như thế (một văn phẩm viết cho tuổi trẻ, Búp Bê xuất bản, 1967). Mà chẳng những bọn thiếu niên say mê Bồn lừa, người lớn cũng cảm khoái không kém. Nhân vật Bồn lừa trước hết là niềm kiêu hãnh của tuổi thơ. Nó xuất hiện như một thần thoại.

“Bồn lừa nhận được ban. Giữ lại. Hất sang bên phải cho Quyên Tân-định. Tả nội Việt-nam thọc xuống góc. Nhóc con Hùng chồm lên đón bóng, qua mặt Zito, đẩy bóng vào giữa. Bồn lừa nhận bóng đúng tầm toan tính. Bóng đang nằm dưới chân Bồn lừa.

– Bồn lừa, Bồn lừa…

– Dứt đi !

– Rán mở tỷ số đi !

Mấy chục ngàn con mắt hướng về Bồn lừa. Bây giờ, Bồn lừa là người khổng lồ. Nó nổi bật cơ hồ đám mây xanh duy nhất trên nền trời trắng.”(trang 52).

Bồn lừa đã làm cho bao khán giả phải hồi hộp xúc động. Bồn lừa trở thành mặt trời. Và chỉ có một mặt trời trên sân cỏ này, vùng bình minh của tuổi thơ. Hôm ấy, trước khán giả, sự thắng bại của Bồn lừa đã gắn liền với niềm kiêu hãnh của quê hương được bộc lộ qua niềm phấn khởi và xúc động của đám quần chúng đầy nhiệt tình.

“Cầu trường nhộn nhịp hẳn lên. Khán giả đi muộn kéo vô. Khán giả đi sớm không muốn nhúc nhích. Chen nhau, cãi cọ, chửi thề, văng tục. Đó là sinh hoạt muôn đời ở khán đài bình dân. Ô, dù, đủ màu, đủ kiểu, trương lên che nắng cuối năm. Tiếng máy phóng thanh hứa hẹn:

– Mười phút nữa, hội tuyển Thiếu-niên Sài-gòn sẽ gặp hội tuyển Ba-tây.

Lời hứa hẹn đó thôi thúc khán giả mãnh liệt. Lại nhấp nhỏm, chen nhau, cãi cọ, chửi thề.” (trang 12).

Hội tuyển Ba-tây là một Hội quốc tế nổi đanh qui tụ 10 đứa con cưng của nền túc cầu nước này, quê hương của những thần tượng sân cỏ. Những vua phá lưới Pelé rổi những Vava, Garrincha… đều là kiện tướng, thuộc loại tay tổ. Hội nước bạn trở thành cái gai trước mắt. Một đe dọa tưởng không thể nào vượt qua. Cho nên, trước khi trận đấu diễn ra, đám khán giả Việt-nam đã sẵn mặc cảm thua cuộc. “Đi coi chân cẳng Ba-tây chứ tin gì hội nhà” (trang 13).

Với một thành kiến như vậy, Hội tuyển Thiếu-niên Sài-gòn cũng đã mất đi nhiều khích lệ cần thiết trong đám khán giả, tức chính đồng bào của mình đã mất lòng tin nơi “gà nhà” của mình. Cái thành kiến đáng ghét kia chỉ là cái bệnh chung của kẻ yếu, của kẻ đã từng thua cuộc. Bỗng dưng, tình thế đã thay đổi và xoay chiều. Sự xuất hiện của Bồn lừa trên sân cỏ trở thành cú sấm sét bất kỳ đã phá tan những thành kiến đáng ghét.

” Khán giả đang ngồi, nhất loạt đứng lên, gào la :

– Bravo Bồn lừa !

– Bồn lừa số dzách !

– Bồn lừa năm bờ oăn !

Hội tuyển Ba-tây chưa hết ngạc nhiên vì tài nghệ của Bồn lừa thì trọng tài rít còi. Pelé ngẩn ngơ nhìn theo Bồn lừa. Thằng nhóc mới thôi ngậm núm vú mà sao nó cừ thế ! (trang 17).

Tài nghệ của Bồn lừa làm cho giới mộ điệu phải hồi hộp ngưỡng mộ qua lời tường thuật của phái viên Huyền Vũ.

“Thưa quý vị, Bồn lừa đã cướp bóng từ đôi chân vàng của quái kiệt Pelé”(trang 24).

Trái tim giới mộ điệu trên khắp nước muốn nổ tung vì xúc cảm qua tiếng thét lớn của phái viên Huyền Vũ :

“Bồn lừa bắn bóng thủng lưới Gilmar mở tỷ số đầu tiên cho Việt-nam. Chúng tôi đang ở phút thứ 25 của hiệp nhì. Việt-nam dẫn trước tỷ số 1-0, Bồn lừa đã phá thủng lưới của Gilmar bằng cú sút lạ lùng nhất thế giới bóng tròn. ” (trang 53).

Trong phần đầu qua 56 trang, Duyên Anh làm cho người đọc như được thưởng thức một trận túc cầu sôi nổi. Tác giả phải là khách mộ điệu sân cỏ và có đủ cái óc tế nhận của một phái viên thể thao cho nên ông mới tả được một pha đầy hồi hộp và sôi động như thế. Nó như thực vì nó có đủ những khích động bén nhậy nhất, linh hoạt nhất. Rồi người đọc bỗng dưng như vừa qua một giấc mộng đầy thích thú vì qua phần thứ II của truyện người ta mói vỡ lẽ ra đó chỉ là giấc mơ kỳ thú của riêng Bồn lừa. Nghĩa là một sự thoát tục để lên tiên. Tiên giới của Bồn lừa không đâu khác hơn là sân cỏ.

Bồn lừa toét miệng cười. Nó duỗi chân thoải mái trên vỉa hè xi măng, lưng vẫn dựa vào cột đèn. Trái bóng nằm ngoan ngoãn trong lòng nó, giờ tuột chạy. Quyên Tân-định nhấc gót chặn trái bóng….

Bồn lừa vươn vai :

– Tao ngồi chờ tụi mày lâu thấy mồ, ngủ bẵng lúc nào chả biết. Rồi tao chiêm bao, mày ơi !

Quyên Tân-định nheo mắt:

– Chiêm bao tào lao khỉ đột hả ?

Bồn lừa lắc đầu :

– Chiêm bao tụi mình đá với tụi Ba-tây. Tao sút tung lưới Ba-tây. Con nhà Pelé “cộp” gẫy ống chân tao.” (trang 58).

Cũng từ đó, Bồn lừa luôn luôn thắc mắc. Đôi mắt nó ngơ ngác long lanh hỏi bạn :

 – Có bao giờ chiêm bao là thật không nhỉ ?

Hai thằng bạn trẻ của nó ngần ngơ giống nó. Chẳng đứa nào trả lời nòi câu hỏi của Bồn lừa. Một lát Chương còm nói :

– Để tao về tao hỏi bố tao nhé” (trang 81 – 82).

Đêm ấy Bồn lừa thao thức mãỉ theo giấc mơ chiều. Nó muốn được sống mãi với giấc chiêm bao kỳ thú. Giấc mơ hãy còn dang dở giữa phút gây cấn nhất. “Rồi Ba-tây làm sao giữ được cú sút “trồng cây chuối” của Bồn lừa ? Dứt trận đấu, quang cảnh vận động trường Cộng-hòa như thế nào ? Đội bóng của nó có bắt Gilmar vô lưới nhặt thêm vài trái nữa không ? Quyên Tân-định đúng là thằng oắt vô tích sự. Người ta đang chiêm bao thì nó phá đám” (trang 85).

Giấc chiêm bao đã in hình rõ rệt trong tâm trí Bồn lừa. Khắc sâu trong tâm khảm nó. Giấc mơ đã tạo cho nó thành một thứ Lưu Nguyễn muốn tìm về cõi Thiên Thai của Tuổi Trẻ. Thực sự giấc chiêm bao kia đã nhóm lửa trong tâm hồn Bồn lừa để từ đó “nó đã mơ ước hách hơn điều nó đã mơ ước”(trang 165). Dù hàng ngày nó phải đi bán bong bóng kiếm kế sinh nhai. Bồn lừa vẫn gắng công mài giũa nghệ thuật và ước mong một ngày kia đội bóng của nó được “Tổng Cuộc Túc Cầu công nhận và cấp thẻ” (trang 177), trong đám đó có Dzũng Đakao, Tí điên, Chương còm. Rồi niềm kiêu hãnh của nó mỗi ngày một lớn “Trái bóng đang nằm dưới chân Bồn lừa. Nó ngước nhìn cờ Việt-nam… Linh hồn Tổ-quốc không nói nhưng Bồn lừa mơ hồ nghe tiếng nói Việt-nam đầm ấm giục giã nó : “Hãy chiến thắng đi Bồn lừa !” (trang 204).

Giấc mơ của Bồn lừa đã nổi lửa đốt cháy tự ti để sáng tỏ niềm tự hào dân tộc nơi tuổi trẻ. Ta có thể nói, Bồn lừa ít nhất cũng là ngọn đuốc soi sáng cho tuổi thơ và đặt tuổi thơ trên chiếc nôi nhung gấm của tình tự dân tộc.

Xét về nghệ thuật, Duyên Anh đã thành công trong cách kết cấu và dựng truyện. Bồn lừa chỉ là giấc mơ. Ông đã làm sống lại giấc mơ đó như làm sống lại một niềm tin đang tàn lụi trong mỗi người nhất là đám thiếu niên. Duyên Anh đã khéo tay kiến trúc một sân cỏ trong ước mơ và làm nổi bật cái sống động của một sân cỏ Cộng-hòa. Và người, ta cứ đinh ninh Bồn lừa đang ở trước mặt, đang lao mình trên sân cỏ. Bồn lừa bằng xương bằng thịt chứ không phải Bồn lừa trong trí tưởng Duyên Anh.

Xét về phương diện giáo dục tuổi thơ thì Bồn lừa quả là cuốn sách phải đóng gáy vàng đặt trong thư viện của mỗi trường học để giục lòng yêu nước cho tuổi trẻ. Tưởng không có một cuốn sách Công-dân Giáo-dục nào cụ thể hơn, hữu hiệu hơn để dạy dỗ tuổi thơ thế nào là niềm tin dân tộc, thế nào là vinh quang của một dân tộc. Bồn lừa với nội dung của nó là một truyện tươi son nhất viết cho tuổi thơ trong lứa tuổi 15, 16. Nhưng nghệ thuật cùa nó vẫn là nghệ thuật đã được tôi luyện”.