Cái miễu huyền bí

LTS: Tháng 5-2018, là lễ cúng giáp năm cố ký giả Huỳnh Văn Thu, tức nhà báo Anh Thư. Bản thảo cuốn hồi ký này được ông viết trước khi mất gần 5 năm. Sau đó, ông phải trải dài những năm tháng cuối đời bên giường bệnh.

Sinh tiền, ký giả Anh Thư đã ủy quyền cho tôi (tức biên tập viên trang Nam Phương Việt) trong công việc biên tập, cùng các yêu cầu thủ tục hành chính cho in ấn, phát hành.

Tiếc là mọi dừng lại do ông mất đột ngột. Để tưởng nhớ ông, xin được lần lượt giới thiệu toàn bộ nội dung cuốn hồi ký còn dỡ dang này của ký giả Huỳnh Văn Thu.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý thân hữu, quý bạn đọc.

Kỳ 1: Trải lòng của tác giả http://namphuongviet.com.vn/hoi-ky-cua-co-ky-gia-anh-thu/

Kỳ 2: Cái miễu huyền bí

Làng có ngôi chùa nhỏ, trụ trì là sư vãi già và vài ni cô. Dân làng tò mò sao các cô vãi chùa này chỉ ăn chay một tháng hơn 10 ngày, họ chỉ  cười: “Ở làng này ăn chay trường chắc là chết đói!. Tu là ở lòng thành, Đức Phật chắc cũng hiểu chuyện “bất đắc dĩ” này. Ăn mặn nhưng lòng mình chay tịnh là được rồi!”.

Làng có thánh thất Cao Đài theo phái Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương thuộc họ đạo Bến Tre. Họ có hơn trăm tín đồ, ăn chay vài ngày trong tháng. Nhiều tín đồ ăn động vật không có máu như hột gà, hột vịt, tôm, cua. Trong thánh thất Cao Đài thờ hình một con mắt được gọi là Thiên Nhãn, ngoài ra còn thờ Phật, Chúa, Lý Thái Bạch, Victor Hugo, Khổng tử, Lão tử. Theo giáo lý của đạo này thì Chúa, Phật là Đấng Chí Tôn chỉ  là một, người đến trước, kẻ theo sau. Họ  dùng danh xưng là Đại đạo tam kỳ phổ độ.

Số đông dân làng thờ ông bà, không thấy ai theo đạo Thiên Chúa và Tin Lành. Ở cuối làng cạnh con rạch có cái miếu nhỏ nằm giữa cây cối rậm rạp. Dân làng đồn rằng trong hốc cổ thụ trước miếu có cặp rắn thần thường xuất hiện vào những đêm trăng và cất tiếng hú não nùng. Nhiều thanh niên gan dạ rình xem nhưng “rắn thần” chẳng thấy, chỉ giúp lũ muỗi đói được dịp no nê.

Trẻ chăn trâu chọn miếu này làm nơi trú nắng, mưa. Miếu thờ Bà nhưng nhiều vị cao tuổi luôn phân vân thân phận “Bà”. Họ bàn tới, cãi nhau rất  hăng, người cho là thờ bà Lê Sơn Thánh Mẫu, kẻ nói thờ Mụ Sanh là vị nữ thần phù hộ cho mẹ tròn, con vuông. Cứ vào ngày mùng tám, tháng tư âm lịch hàng năm, dân làng cúng bà long trọng không thua gì cúng đình.

Người không thể thiếu trong lễ cúng Bà là cô Tám Chánh được gọi là “bóng” Chánh và bác Chín Nhơn. Cô bóng Chánh cao, tướng vạm vỡ như đàn ông, tiếng nói rổn rảng. Nhiều người rỉ tai cô là “bán nam, bán nữ”. Cô luôn chén chú, chén anh với mấy chú bác “đực rựa”. Bọn trẻ phục cô vì cô đoán “trúng phóc” vật bác Chín Nhơn dấu trong dịp cúng Bà.

Khi trưởng thành, tôi hiểu lý do “trăm lần như một” cô đoán đúng vì do bác Chín gợi ý bởi lời đối đáp với “bà” qua vai cô. Trong lễ cúng, “bóng” Chánh mặc áo dài hai lớp, phấn son lòe loẹt, đầu trùm khăn đỏ. Trong khi nhạc công kéo đàn thì cô uyển chuyển múa và hát: “Bà ơi! bà ngự phương nào, thỉnh bà giáng hạ về trần cùng con. Bà ơi! bà ở trên non, nghe lời cung thỉnh của con bà về…”.

Tiếng trống bập bùng, tiếng đàn réo rắt, lời ca khi bổng, lúc trầm, “bóng” Chánh múa như bay lượn trong không gian sực nức hương khói. Đang múa, cô bổng ợ to, vò đầu, bứt tai,  cười lớn, lại ụa, lại cười. Tiếng “Bà” qua cô lanh lảnh: “Năm sông, bảy núi đang bay, nghe lời thỉnh gọi Bà về cùng các  con…”.

Bác Chín Nhơn xá bốn phương, lễ phép lên tiếng: “Chúng con thỉnh chào Bà, kính xin Bà đoán vật làm tin”. Cô bóng Chánh lại ụa, ụa tới ụa lui một lúc, “Bà” đoán “vật” bác Chín Nhơn giấu, khi lá trầu, ly rượu hay tờ  giấy bạc. Bác Chín Nhơn gợi ý  khéo, nếu bác giấu lá trầu thì bác đọc: “Trầu cau con đã sẵn sàng, dâng Bà dùng”. Nếu giấu cau thì chữ cau đọc trước.

Cái miễu “huyền bí” đến khi hoà bình dân làng mới rõ vì nơi đây chỉ là bình phong của trạm tiếp tế lương thực và thuốc men cho phía “đàng mình”. Người đứng sau việc này là cô Tư Đặng, chị ruột bác Chín Nhơn, chết trước 1975.

Sau ngày thống nhất, cô Tư được truy tặng huân chương giải phóng, gia đình bác Chín Nhơn được công nhận gia đình liệt sĩ. Dân làng hiểu ra cớ sự vì sao người  phụ nữ đẹp người, đẹp nết như cô Tư Đặng cam tâm làm vợ bé chủ Tuất, nhân vật quyền thế trong tổng, coi Việt Minh là kẻ thù “bất cộng đái thiên”.

Trong lễ tuyên công do Mặt trận Tổ Quốc huyện Bình Chánh tổ chức thì cô Tư danh phận là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã phụ trách dân vận. Nhiệm vụ của cô là lôi kéo các viên chức và binh lính của chế độ cũ về với cách mạng. Là “vợ yêu” của viên Chánh tổng nắm quyền sinh sát trong tay, cô Tư đã cứu nhiều dân làng bị oan khiên và không ít cán bộ Việt Minh thoát tù đày và chết thảm nhờ tài khéo léo của cô.

Năm 1973, miếu bị “ăn” bom tan nát thành bình địa. Vào năm 2007, con bác thứ hai của tôi là anh mười Đ., đại úy Công an TP.HCM cùng bà con trong xã góp tiền xây lại miếu. Hôm lễ khánh thành vì bận việc đột xuất nên tôi không về dự. Tôi xin gửi ít tiền về đóng góp nhưng bị từ chối với lý do kinh phí xây miếu đã đủ không cần thêm nữa, việc ấy khiến tôi buồn mấy hôm liền.

Bốn mươi năm trôi qua trong những buổi “trà dư, tửu hậu”, dân làng cố cựu thường nhắc đến câu chuyện vui xảy ra vào mùa gặt năm 1956. Ở thôn quê miền Nam chiếc bồ đập lúa được vây kín ba mặt “cà tăng” đan tre để hạt lúa không văng ra ngoài. Vì bồ lúa kín nên bọn con nít thường vào trốn khi chơi cút bắt.

Cái bồ cũng là nơi hẹn lý tưởng của nhiều cặp trai gái khi đêm về. Nông dân sau ngày mệt nhọc trên đồng không đem bồ về. Trong đêm, hàng chục bồ lúa nằm rải rác trên ruộng như pháo đài. Sau nhiều lần theo dõi, đám thanh niên khám phá “bóng” Chánh và chú Hai P. thường “hú hí” trong bồ lúa ở đám ruộng đầu làng.  Họ đợi khi hai ông bà “mùi mẩn” quên đất trời, họ nhe nhàng “rinh” cái “bồ tính ái” đem sang đám ruộng khác, xa hơn nơi cũ nhiều. Không biết khi tỉnh cơn mê đôi tình nhân này xử lý ra sao?.

Huỳnh Văn Thu (Anh Thư)