Cần có Tòa án về Hiến pháp

NPV – Theo một số luật sư, đề xuất về đánh thuế nhà ở hàng năm của Bộ Tài chính, có dấu hiệu của vi phạm Hiến pháp 2013. Tuy nhiên do Việt Nam vẫn chưa có Tòa án về Hiến pháp, nên trong trường hợp có vi phạm về Hiến pháp, khó thể có chế tài tương ứng.

Bộ Tài chính vừa công bố dự án Luật Thu thuế tài sản. Theo đó, nhà đất có giá trị trên 700 triệu đồng và ôtô có giá trị trên 1,5 tỉ đồng phải chịu thuế tài sản.

Câu hỏi đặt ra là Bộ Tài chính dựa trên cơ sở nào? Hiến pháp 2013 quy định mọi người dân đều có quyền có nhà ở, mọi người đều có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế khác. Như vậy, nhà ở và ôtô là tài sản hợp pháp của người dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Việc thu thuế đối với tài sản hợp pháp của công dân là quy định vi phạm Hiến pháp 2013 về quyền có nhà ở và quyền sở hữu hợp pháp.

Giải thích của Bộ Tài chính là đánh thuế nhà ở và ôtô nhằm tăng thu ngân sách là không hợp lý, bởi bản chất của việc thu thuế không chỉ có mục đích tăng nguồn thu cho ngân sách mà còn là công cụ quản lý vĩ mô nền kinh tế. Với nghĩa thứ hai này thì chỉ được đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở đi mới hợp lý, chứ quy định thu thuế đối với căn nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên là cào bằng, tận thu và không khoan sức dân.

Con số 700 triệu đồng mà Bộ Tài chính đưa ra là dựa vào đâu? Tại sao không phải là 500 triệu đồng hay cao hơn? Bộ Tài chính đã tiến hành nghiên cứu xã hội học về con số này chưa? Đã tiến hành lấy ý kiến nhân dân về việc thu thuế tài sản và mức thu chưa? Tôi nghĩa rằng chưa.

Trong khi đó, để có một bộ luật hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn và có sức sống lâu dài bắt buộc nhà làm luật phải tiến hành điều tra xã hội học, tổ chức hội thảo và lấy ý kiến của người dân trước khi trình lên Quốc hội để biểu quyết thông qua.

Cần phải thấy rằng thuế đánh trên tài sản là một loại thuế mới chưa từng có trong hệ thống thuế hiện hành, từ trước đến nay ta chưa từng quy định sắc thuế này bởi đơn giản ta đã có các sắc thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân có bản chất thay thế cho thuế đánh trên tài sản.

Một cá nhân trước khi mua nhà hay xe đã đóng thuế thu nhập cá nhân hay thu nhập doanh nghiệp, gọi là lợi nhuận sau thuế. Vì thế, nếu quy định thêm thuế tài sản thì một tài sản hợp pháp sẽ bị đánh thuế 2 lần, điều này vi phạm nguyên tắc không đánh thuế 2 lần trong pháp luật về thuế. Cuối cùng là tính minh bạch của việc chi tiêu thuế tài sản.

Cũng giống như thu thuế môi trường qua xăng dầu bị phản ứng là vì thực tế số thuế thu được không phải chỉ dành cho việc bảo vệ môi trường. Qua bao năm đóng thuế môi trường nhưng môi trường vẫn vậy nên lòng tin của người đóng thuế bị xói mòn. Ở Mỹ, việc thu thuế tài sản dành hết cho giáo dục nên trẻ em đi học được miễn học phí từ cấp mẫu giáo cho đến trung học. Vì vậy, người đóng thuế được hưởng lợi trực tiếp từ việc đóng thuế nên họ tự nguyện.

Theo Bộ Tài chính, việc thu thuế tài sản chỉ nhằm tăng thu ngân sách chứ không thấy mục đích thu để làm gì. Như vậy, ngay từ đầu, việc thu thuế tài sản đã kém minh bạch giống như thuế bảo vệ môi trường.

Chính vì những lý do như vậy, chúng tôi cho rằng việc thu thuế tài sản là vi phạm Hiến pháp, là không căn cứ vào thực trạng xã hội nước ta, thiếu căn cứ khoa học và kém minh bạch.

Thạc sĩ – luật sư HUỲNH CÔNG THƯ, Đoàn Luật sư tỉnh Long An