Cảng Hòn Khoai sẽ đón đầu kênh đào Kra?

Ngày 1-2-2018, một hội thảo lớn về kênh đào Kra (kênh đào Thái Lan) đã được tổ chức tại tỉnh Phuket với sự tham dự của tướng Pongthep Thesprateep – chủ tịch Hiệp hội Kênh đào Thái Lan (TCA).

Đến nay chính quyền quân sự Thái Lan vẫn tỏ ra thận trọng với dự án kênh đào, một phần do các vấn đề chính trị và cuộc bầu cử dân sự sắp diễn ra. Năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Somkid Jatusripitak dự định phát biểu mở màn hội thảo của TCA, nhưng đã hủy vào phút chót sau quyết định của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.

 

Sự kiện hôm 1-2 được đồng tài trợ bởi Phòng Thương mại Anh tại Thái Lan, Phòng Thương mại Pháp – Thái (FTCC), Phòng Thương mại Úc – Thái (AustCham), Phòng Thương mại Đức – Thái (GTCC), Phòng Thương mại Mỹ (AmCham)… và Hiệp hội Doanh nghiệp và thương mại châu Âu tại Thái Lan (EABC).

Dù không rõ Hoàng gia Thái Lan đã nhận được đề xuất chính thức nào liên quan đến kênh đào Kra chưa, nhưng công trình này đã có sự hậu thuẫn từ quốc gia giàu có và quyền lực: Trung Quốc. Theo các nguồn tin Chính phủ Thái, tân đại sứ Trung Quốc tại Bangkok Lyu Jian gần đây liên tục nhắc lại trong các cuộc gặp cấp cao rằng “Trung Quốc hình dung kênh đào Thái Lan là một phần của sáng kiến hạ tầng toàn cầu Vành đai – con đường trị giá 1.000 tỉ USD”.

Theo giới quan sát, đây dường như là lần đầu tiên Bắc Kinh tích cực vận động công trình kênh đào Kra như một phần của “Vành đai – con đường”, dù hiện tại Trung Quốc đã liên kết sáng kiến hạ tầng này với hành lang kinh tế phía đông của Thái Lan, bao gồm một đường sắt cao tốc nối hai nước chạy xuyên qua Lào vừa động thổ vào tháng 12-2017.

Dự kiến sau khi kênh Kra hoàn thành và đi vào hoạt động đây sẽ là kênh đào nhân tạo lớn nhất châu Á. Việc trao đổi thương mại giữa Khu mậu dịch ASEAN và các nước trên thế giới sẽ được rút ngắn hơn 1.000km so với tuyến đường đi qua eo Malacca.

Các nhà hàng hải châu Á và thế giới cho rằng, nếu đào được con kênh đào Kra Isthmus thì con đường hàng hải từ Địa Trung Hải qua kênh Suez tới Tây Thái Bình Dương sẽ được rút ngắn tới trên 1.000 hải lý, giảm được 3-5 ngày khi phải qua eo biển Malacca, đỡ tốn kém cho mỗi chuyến tàu trên 150.000USD, lại tránh được nạn cướp biển hoành hành dữ dội tại vùng eo biển Malacca. Theo đề xuất thỏa thuận, kênh đào hai chiều sâu 25 m, dài 102 km, rộng 400 m. Dự kiến việc dự án sẽ hoàn tất trong 10 năm, với chi phí 28 tỷ USD.

Phía Việt Nam thời chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã mau mắn đón đầu câu chuyện nói trên, bằng việc tuyên bố sẽ xây một cảng biển nước sâu trị giá 2,5 tỷ đô la tại đảo Hòn Khoai, khoảng 17km ngoài khơi bờ biển Cà Mau – tỉnh cực nam của Việt Nam. Nằm ngay giữa Vịnh Thái Lan và Biển Đông, Cảng Hòn Khoai có vị trí đắc địa để nhận hàng hóa từ Indonesia và Australia. Và cho đến khi có kênh đào Kra thì dễ nhận thấy rằng sẽ mang lại cho Cảng Hòn Khoai này một lượng tàu thuyền thương mại dồi dào.

Khi ấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khéo léo kéo người Mỹ vào cuộc chơi, khi thiết kế ở Hòn Khoai là kết quả của một nghiên cứu khả thi được thực hiện bởi Tập đoàn Bechtel – công ty kiến trúc và xây dựng lớn nhất Hoa Kỳ, trong một thỏa thuận ký với doanh nghiệp Việt Nam là Vân Phong. Thiết kế này bao gồm 12 cầu cảng dự kiến, một nửa trong số đó sẽ được dùng cho nhập khẩu các mặt hàng khác ngoài than.

Thiết kế trước đó, do Cục Hàng hải Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp Úc N&M Commodities, dự kiến có tới 24 cầu cảng mà chỉ một nửa trong đó phục vụ cho nhập than. Phần còn lại phục vụ nhập khẩu hàng hóa, container, xăng dầu, khí hóa lỏng và các loại tàu Ro/Ro được thiết kế phục vụ vận chuyển hàng hóa có bánh xe – tức các mặt hàng sẽ đi qua kênh đào Kra đến từ tận những nơi như Trung Đông và Châu Âu.

Nếu mọi chuyện diễn ra như dự tính thì Cảng Hòn Khoai sẽ đóng dấu lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ ngay tại trung tâm của bức tranh địa-kinh tế được định hình bởi sự biến đổi quyền lực mà kênh đào Kra mang lại. Cảng Hòn Khoai được cho là sẽ nhận được tài trợ 85% vốn bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ thông qua kênh xúc tiến khi ấy của bà Nguyễn Thanh Phượng, ái nữ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy nhiên trong một diễn biến xảy ra hồi tháng 1/2015, khi ông Mark Argar, Quản lý dự án của Công ty Bechtel trao đổi với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, thì ông Thăng có ý bàn ra khi khuyên phía Bechtel cần xem xét thị trường khu vực này nếu quyết định đầu tư. Theo ông Thăng, đối với cảng than, khu vực này đã có Cảng Duyên Hải do Trung Quốc đầu tư; còn cảng trung chuyển quốc tế thì đã có cụm Cảng Cái Mép – Thị Vải. Và Bộ GTVT thì đang triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, nên cảng chính của khu vực phải là cảng Cần Thơ.

Bên cạnh đó, việc kết nối giao thông đường bộ giữa cảng với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch trước năm 2020 chưa có đường cao tốc. Ông Thăng nói rằng nếu hàng hóa nhập khẩu về Cảng Hoàn Khoai thì vận chuyển lên phía trên bằng gì?

Mới đây, xét đề nghị của UBND tỉnh Cà Mau tại Công văn số 459/TTG-CN về chủ trương xây dựng cơ chế đặc thù của dự án đầu tư xây dựng cảng Hòn Khoai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo “UBND tỉnh Cà Mau thống nhất với Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan về sự cần thiết đầu tư; đồng thời, thống nhất về quy mô, công năng, hình thức, phân kỳ đầu tư và đề xuất cụ thể cơ chế đặc thù để thực hiện trong trường hợp cần thiết đầu tư dự án cảng biển Hòn Khoai; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền”.

“Cảng Hòn Khoai khi được đầu tư sẽ trở thành cảng tổng hợp nước sâu lớn nhất trong hệ thống cảng biển Việt Nam, có thể đáp ứng được tàu có tải trọng lên tới 250.000 DWT đồng thời tạo thế kiềng 3 chân vững chắc cho động lực phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Kiên Giang – Phú Quốc; Trà Vinh – Định An và khu kinh tế Năm Căn – Hòn Khoai. Từ đó, Cảng Hòn Khoai tạo ra thế quá cảnh của Việt Nam như Hà Lan ở châu Âu”, đại diện lãnh đạo Cà Mau nhấn mạnh như vậy trong một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ.

Không chỉ với Cảng Hòn Khoai, khi có kênh đào Kra, thì đảo Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất trong vùng có thể làm trạm dừng chân mới thay thế cho Singapore. Đó cũng chính là tham vọng khi soạn thảo việc hình thành đặc khu kinh tế Phú Quốc lúc ông Nguyễn Tấn Dũng còn ngồi ghế thủ tướng.

Thảo Vy