Cẩu quyền và Đả cầu bổng pháp

Trong nền võ thuật cổ truyền của Trung Quốc, rất nhiều môn phái đặt nền tảng kỹ thuật dựa theo lối đánh nhau của loài vật. Chẳng hạn, hầu quyền và xà quyền bắt chước lối đánh của khỉ hoặc rắn. Riêng môn cẩu quyền, có gốc từ tỉnh Phúc Kiến, có lối đánh đặc biệt: vừa đánh vừa lăn lộn khiến đối thủ khó phán đoán đòn thế của mình.

Cẩu quyền còn gọi là Địa thuật khuyển pháp, được phát triển từ vùng Phúc Kiến, tương truyền vào cuối Minh đầu Thanh, phát triển Địa Thuật quyền pháp có gốc từ Thiếu lâm đệ tử tham gia phong trào kháng Thanh phục Minh, bị Thanh triều trấn áp, do vậy mà Địa Thuật có cơ hội phát tán ra tứ phương, Địa thuật khuyển pháp bắt đầu truyền nhập dân gian từ đây.

Ở Việt Nam, võ thuật liên quan đến con chó, có lẽ nhờ tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung nên nhiều người biết đến ngón nghề “Đả cẩu bổng pháp” mà nhân vật huyền thoại Hồng Thất Công của Cái Bang đã thi triển và vang danh chốn giang hồ.

Đây là môn võ có thật. Đả cẩu bổng pháp có nghĩa là dùng gậy trúc để đánh ác cẩu, cho nên lúc đi hành khất các nhân vật trong Cái Bang thường mang theo một cây đả cẩu bổng để phòng khi chó dữ tấn công. Đả cẩu bổng pháp thường rất nhanh nhẹn, linh động, tùy cơ ứng biến. Bổng pháp này là do kinh nghiệm thực tế đánh ác cẩu mà đúc kết thành bí kiếp.

Đả cẩu bổng pháp là một loại Côn pháp chí cao, gồm 36 đường đánh. Đả cẩu bổng pháp là do sư tổ của Cái Bang sáng tạo nên, được những người bang chủ tiền nhiệm truyền cho bang chủ đời sau, quyết không truyền cho người thứ hai. Đến bang chủ đời thứ ba của Cái Bang võ công so với sư tổ còn cao siêu hơn, ông ta đã thêm vào những đường đánh của Đả cẩu bổng vô số chiêu pháp kì diệu biến hóa. Trong vòng mấy trăm năm, Cái Bang gặp họa nguy khốn, bang chủ phải thường xuyên ra mặt dùng Đả cẩu bổng pháp diệt tà trừ ác khiến cho quần tà phải khiếp sợ.

Một lão võ sư ở Chợ Lớn diễn giải với người viết về 10 chiêu thức của môn võ này như sau:

  1. Ác cẩu lan lộ (Chó dữ chặn đường – phong tự quyết). Nhấc đả cẩu bổng đặt ngang trước thân để chặn sự công kích của địch, tùy tình hình mà nghiêng gậy mượn lực bên ngoài đánh vào binh khí của địch.
  2. Bổng đả song khuyển (Gậy đánh hai con chó – Triền tự quyết). Nhanh chóng dùng đả cẩu bổng quét qua hai chân địch.
  3. Tà đả cẩu bối (Đánh vào vai chó – dẫn tự quyết). Dùng đả cẩu bổng vẫy qua vẫy lại, để địch khó xác định hướng đánh, nhân lúc địch sơ hở đánh vào má của hắn.
  4. Bát cẩu triều thiên (Đẩy cẩu chỉ thiên – phong tự quyết). Dùng thân gậy chìa ra, đem đầu trước của binh khí địch gạt lên trời.
  5. Ngao khẩu đoạt trượng (Cướp gậy từ miệng chó – bạn tự quyết). Nếu như gậy bị địch cướp đi thì trước hết duỗi hai ngón tay giữa của tay phải ra đánh vào hai mắt địch, đồng thời chân trái lật lại áp vào thân gậy lập tức đoạt lại, chiêu này biến hoá thất thường, chắc chắn đoạt được gậy, chiêu này cao hơn cao thủ nhiều, đối thủ khó mà bảo toàn được.
  6. Bổng đả cẩu thủ (Dùng gậy đánh vào đầu chó – phách tự quyết). Nhanh chóng dùng gậy đánh vào đỉnh đầu của địch.
  7. Phản tróc cẩu đồn (Dùng dậy đâm vào mông chó –tróc tự quyết). Lấy thân gậy quét qua bàn tọa của địch.
  8. Bổng khiêu lạt khuyển (Dùng gậy đánh lạt khuyển –khiêu tự quyết). Lúc gậy bị địch nắm chặt lại, trước tiên nghiêng thân gậy, sau đó đánh bật địch ra.
  9. Áp biển cẩu bối (Đè ép vai chó –phách tự quyết). Dùng thân gậy chìa ra, đặt trên binh khí của địch từ từ đè xuống, xuất chiêu sức nặng ngàn cân để đè ép địch.
  10. Thiên hạ vô cẩu (Thiên hạ không còn chó – phách tự quyết). Đây là tuyệt chiêu cuối cùng của đả cẩu bổng pháp, dung hợp hơn 30 chiêu của Đả cẩu bổng pháp, một khi xuất chiêu địch sẽ thấy bốn phương tám hướng đều là gậy, kình lực phát ra, mạng người khó giữ, dù thêm một vài tên nữa cũng sẽ bị đánh chết đồng loạt cho nên mới gọi là “Thiên hạ vô cẩu”. Đây chính là sự tinh diệu của bổng pháp, kình lực mạnh mẽ, đạt đến cảnh giới của võ thuật Trung Hoa.

Các bang chủ Cái Bang như Hồng Thất Công, Hoàng Dung, Lỗ Hữu Cước đều sử dụng nhuần nhuyễn “Đả cẩu bổng pháp” này. Từ con chó trong tiểu thuyết, người viết nghĩ đến chuyện… con người trong đời thường. Các cơ quan pháp luật, cơ quan thanh tra cũng đã dùng một loại “bổng pháp” để đánh mấy anh (chị) tham ô. Tham ô ăn đủ thứ: quota, dầu khí, sắt thép, tiền dự án, tiền xây dựng cơ bản… Năm vừa qua, các vị đó “đánh” khá riết với đòn thức, chiêu thế linh hoạt, biến hóa vi diệu như “Đả cẩu bổng pháp” của Cái Bang nên người dân tin tưởng rằng “Tân Đả cẩu bổng pháp” của xứ Việt cũng linh nghiệm ngang bằng hoặc hơn cái “Đả cẩu bổng pháp” của Kim Dung.

Nguyễn Tùng