Chuyện về La De Trái Thơm

NPV – Bài viết dưới đây từ lời kể của một thân hữu đã từng làm việc tại hãng BGI, Sàigòn, tức là hãng Brasseries, Glacières d’Indochine, công ty chủ nhà máy nấu La De ở Chợ Lớn, cạnh sân vận động Cộng Hòa (sân vận động Thống Nhất ngày nay). Những giai thoại về La De Trái Thơm được ghi lại và giữ nguyên “cách dùng từ” của người kể.

Câu chuyện được mọi người nhớ về La De, thường hỏi tôi, là chuyện chai La De lớn đặc biệt gọi là La De Trái Thơm. Theo lời đồn, trong mỗi thùng 6 chai chỉ có một chai Trái Thơm, giá đặc biệt và cũng là quà tặng đặc biệt mỗi khi có khách quý. Ai đã được uống La De Trái Thơm đều khen là ngon đặc biệt, và khen ngon hơn chai La De thường. Thiệt tình mà nói là La De Trái Thơm, La De thường, La De Quân tiếp Vụ cũng là một thứ, vô chai có hình trái thơm thì nó Trái Thơm, vô chai thường thì nó là La De thường, gặp chai Quân tiếp Vụ thì nó biến thành La De Quân tiếp Vụ.

Hãng BGI lúc ấy chỉ có nấu hai loại La De thôi: La De thường: vào chai lớn (dung tích 66) thường gọi La De Con Cọp vì chai có cái đầu con cọp màu vàng và để nhãn hiệu Bière Larue. La De 33: nấu thơm hơn, độ rượu nhiều hơn, vị uống đậm đà hơn, vô chai nhỏ (dung tích 33), tên thường gọi là Bia Băm Ba, nhãn hiệu là Bière 33 Export. Vậy mà có người khen chê cho La De Trái thơm là ngon nhứt, xong đến La De Con Cọp và hạng chót là La De Quân tiếp Vụ, vì là cho Quân đội uống. Chẳng qua là cái mã ở ngoài cả. Thế mới biết ở đời chỉ trọng cái bề ngoài.

Lúc ấy là năm 1973, tôi làm chánh sở Tiếp thị (Chef du Service Marketing), coi luôn phần quảng cáo. Để hà tiện tiền làm nhãn ở Pháp, tôi sử dụng văn phòng quảng cáo của hãng, tôi nghĩ anh họa sĩ văn phòng quảng cáo (chuyên vẽ những phông cho các xe của hãng rồi các anh thợ sơn đồ chép lại) đủ tài nghệ chép lại cái nhãn đặt ở Pháp. Và tôi nhờ anh họa sĩ vẽ lại cái nhãn. Trên nhãn cái đầu con cọp vàng ở giữa hai bên có hai tràng hoa houblons, là loại hoa dùng để thêm cái vị nhẫn đắng vào bia. Nấu bia ngon dỡ là do cái tài thêm ít hoa houblon, cũng như gia vị ngũ vị hương trong nghề bếp núc Việt Nam ta vậy.

Nhãn vẽ xong đại khái cũng tạm ổn, vì anh họa sĩ nhà chưa bao giờ nhìn thấy hoa houblon, nên đinh ninh thấy hoa houblon giống trái thơm, cho là trái thơm, và vẽ giống trái thơm. Các ông giám đốc Tây cũng ba chớp ba nháng, kể cả anh chánh sở trách nhiệm là tui, cũng thế. Vì thiệt tình mà nói thì có ông nội nào thấy hoa houblon tươi đâu? Biết là houblon nhưng chỉ nhìn thấy hoa dưới dạng khô. Còn các anh kỹ sư nhà máy, các anh nấu rượu (brasseurs – đây là một cái nghề riêng) dân La De thiệt, thì ở nhà máy. Bọn quyết định là dân văn phòng, dân làm Marketing quyết định mọi việc, bổn phận các anh kỹ sư là sản xuất, chỉ sao làm đúng vậy thôi. Nhãn ô kê, gởi đi làm décalques (đề – can) đưa qua Công ty Thủy tinh Việt Nam (Khánh Hội) dán vào chai đợt đó là 100 ngàn chai mới.

Khi đưa vào nhà máy Chợ Lớn, các lão kỹ sư cười vỡ bụng, “hoa houblon sao giống trái thơm thế nầy”. Nhưng đã nói các quan văn phòng là chánh mà, nên quyết định, cứ trộn chai mới vào với đám chai cũ, lẫn lộn chả ai biết gì đâu, người ta uống La De có ai thèm nhìn nhãn đâu. Chẳng lẽ vất bỏ 100 ngàn chai hay sao? Vài ông giám đốc còn thày lay dạy đời “Dân Việt Nam không biết uống bia, uống quá lạnh, nhiều khi còn để đông đặc lại (bia đặc), còn thêm nước đá, ngon lành gì, vì vậy trái thơm hay hoa houblon có ai biết chi mô mà ngại ngùng, a – lê ta cứ thế mà làm”. Chàng chánh sở biết thân, im miệng thinh thích, ngậm miệng ăn tiền, phải bảo vệ danh dự anh họa sĩ nhà và danh phong Marketing, dù sao cũng… quê rồi.

Nhưng không ai lường được cái tài doanh nhơn của người Hoa, của con buôn. Các chú Chệt nhà mình ở hãng (rất nhiều nhơn viên người Việt gốc Hoa, buôn bán ở Sài Gòn chẳng những biết nói “Quảng Đông Ngữ” mà cũng phải vài tiếng “Tiều Châu ngữ” nữa cũng phải “Kít tèo” hay “Mai xín xắn bù chằn ếch” cho giống người ta, nói tóm lại con buôn giới thương mại phần đông là người gốc Hoa nếu không nói là một số rất đông. Thế là tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn gần, hãng La De vừa sản xuất được một thứ La De hảo hạng, La De trái thơm, một thùng chỉ một chai, để tặng các bạn hàng thứ thiệt, thứ ngon lành, thứ chịu chơi.

Cái luật may rủi, tình cờ, thì khi ra chai và vào thùng thì bao giờ Trái thơm cũng có mặt ở mỗi ngày sản xuất, mấy tay cao thủ bán hàng của hãng cứ thế mà sắp cho mỗi thùng một chai, rất là điệu nghệ, và tuyên truyền nguyên tắc của hãng mỗi thùng một chai. Nhưng khi đi giao hàng (bán sỉ) quý vị ấy tự nhiên đề nghị với các bạn hàng biết điệu nghệ thì có thể thêm 2 hoặc 3, thậm chí cả thùng toàn La De trái thơm tùy theo nét điệu nghệ và chịu chơi của thân chủ, “phép vua thua lệ làng” mà lỵ, phép hãng đấy, nhưng thua nghề của chàng. Và cứ thế dòng sông thương mại trôi theo dòng điệu nghệ, ăn nhậu.

Các bars, các quán nhậu cũng tùy điệu nghệ với các ông Thầy, ông Xếp, đàn anh… mà điệu nghệ giành chai La De Trái Thơm cho người mình muốn nâng bi, ca tụng hay ca bài con cá. Cá nhơn tui đây, dân La De thứ thiệt, thế mà khi đi nhậu vẫn được bạn hàng và nhiều khi cả nhơn viên (cho biết khi cái dỏm trở thành huyền thoại thì cái dỏm trở thành cái thiệt) thương tình tặng một chai Trái Thơm. Nhưng mình cũng phải ngậm miệng khen ngon và cám ơn các cảm tình giành riêng ấy, và vì huyền thoại đã đến hồi quyết liệt, làm vỡ “mộng ban đầu”, e có thể “lãnh thẹo”.