Có ai còn nhớ mã trường Phú Thọ?

NPVỞ ngã tư Xóm Gà của đất Gia Định hồi đó, chỗ đường vào Tịnh xá Trung Tâm, xéo cổng nhà bà Năm Chà, là nhà của gia đình anh bạn tôi. Gia đình anh làm nghề đua ngựa ở mã trường Phú Thọ. Sau 1975, có thời gian anh làm trọng tài khi trường đua được mở lại…

Anh đã mất vì cứu người em trai – con của dì tôi trong ngày mồng 5 tháng năm âm lịch. Nhớ anh, nhớ luôn không khí của thuở ấy của chòm xóm bàn về những con ngựa Lệ Thủy, Minh Vương, Bạch Tuyết…

Là cái nôi đua ngựa của đất Sài Gòn và có thời từng là trường đua ngựa lớn nhất nhì châu Á mà giới ăn chơi thượng lưu vùng Nam kỳ Lục tỉnh thường xuyên lui tới, thế nhưng quá khứ “lẫy lừng” của Trường đua Phú Thọ giờ chỉ còn trong ký ức…

Trong tác phẩm “Ở theo thời” (viết năm 1935), nhà văn Hồ Biểu Chánh đã từng miêu tả rất rõ nét cảnh nhộn nhịp xem đua ngựa ở Trường đua Phú Thọ xưa: “Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau mua giấy mà vô nườm rượp”.

Cứ nghĩ rằng đây là thú chơi của giới thượng lưu phương Tây nên có rất ít người Việt bản xứ ghé vào, đó là chưa kể phụ nữ chắc vào chỗ này cũng hiếm, cho nên nhà văn Hồ Biểu Chánh rất ngạc nhiên khi chứng kiến: “Trong số người đi coi đây, phần đông là người An-nam, chẳng những là đông bên hạng đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng ngồi trên khán đài, người An-nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa”.

Lúc ấy đây là trường đua ngựa duy nhất ở Việt Nam được một nhóm thương gia, sĩ quan người Pháp thành lập vào năm 1932 với diện tích hơn 48 héc-ta. Và theo nhà văn Hồ Biểu Chánh thì khoảng 3 năm sau đã trở thành địa điểm lui tới quen thuộc của dân Sài Thành và Nam kỳ Lục tỉnh.

Nói về cảnh cá cược ở Trường đua Phú Thọ, nhà văn Hồ Biểu Chánh mô tả chi tiết: “Khi mới vô, tưởng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền đến coi chơi cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi một lát, dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài, rồi chen nhau mua giấy, kẻ con ngựa số 1 năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm, đờn bà cũng mua giấy cá bạc chục như đờn ông, người cá về nhất, người cá về nhì, về ba, kẻ khen ngựa hồng hôm dượt chạy hay, kẻ chê ngựa đậm bị chở nặng. Chừng ngựa về tới mức, người trúng thì vỗ tay nhảy nhót, chạy đi lãnh tiền, còn kẻ thua thì mặt mày buồn hiu, lấy chương trình ra ngồi tính coi độ kế phải đánh con nào mà gỡ”.

Thời đó ngựa đua ở Trường đua Phú Thọ được chia làm 4 hạng: A, B, C và D. Mỗi hạng gồm ngựa 3, 4 tuổi và lớn hơn. Mỗi năm ngựa sẽ được đo và xếp hạng lại. Một con ngựa đua tốt phải đạt đúng tiêu chuẩn như lông mượt, cằm rộng, ngực nở, chân tay thẳng, móng đứng. Khi còn trường đua, người ta thống kê có khoảng 1.200 con ngựa tham gia đua. Tính cả ngựa giống, ngựa đẻ và ngựa con thì đàn ngựa đua ở Sài Gòn, Đức Hòa (Long An) và các tỉnh lân cận khi ấy vào khoảng 4.000 con.

Các dân “tuyệt phích” cá theo hai kiểu: Cá cặp tức là cá con nhất con nhì, cá chiếc tức là cá một con nào đó về nhất. Ngựa đua theo các cự ly 800m, 1.000m, 1.200m, 1.700m, 2.400m và dài nhất là 3.000m. Các nài ngựa dắt ngựa vài vòng trước khán đài cho dân cá cược so chân, đặt cược.

Không chỉ được cá chiếc, cá đôi mà dân “tuyệt phích” còn được cá ba, cá tư rồi cá sáu. Vé thì có đủ hạng bình dân cho đến VIP nhưng phần lớn chỉ thích hè nhau ra sát ranh đường đua để theo dõi. Các tờ thông tin số trận tham gia, thành tích của ngựa được bán nhan nhản cho dân “tuyệt phích” ở lối vào trường đua nhằm lựa chọn con ngựa mà mình ưng ý để cá cược.

Thời ấy, giới cá cược người Hoa ở Chợ Lớn được cho là thắng thế ở Trường đua Phú Thọ. Họ thường bảo nhau “bí quyết”: Hễ biết chơi đua ngựa là phải biết đón tuy-dô (tiếng Pháp có nghĩa là tin mật) từ các trùm ngựa. Giới chơi thạo thường giao du nhiều trong giới chủ ngựa đua và nhất là giới nài. Với bọn nài, họ chơi thật ngọt. Nói nôm na là “mua” nài. Họ cho tin mình cho tiền. Khi kết quả như họ cho tin tốt, mình lại thưởng mười lần hơn.

Tất cả bí quyết là ở đó, đúng như người Hoa ở Chợ Lớn thường răng dạy con cháu khi muốn kiếm tiền: “Phóng tài hóa, thu nhân tâm”, nghĩa là hào phóng ban phát tiền bạc và hàng hóa để chinh phục lòng người. Và với họ, chinh phục giới nài và chủ ngựa là một những bí quyết để thắng lớn mỗi khi đến Trường đua Phú Thọ để cá cược.

Khu Xóm Gà của tôi, ngoài máu me mã trường, còn có sòng bài thế giới cờ gian, bạc lận của gia đình ông Chín Cò. Gia đình này về sau có người về làm dâu nhà ngoại, mà tôi gọi là mợ… Cũng may là cậu của tôi – một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, không có máu đỏ đen.

MT