Còn một chút gì để nhớ…

NPV – Chiều dựng. Mùa đông mây xám ngắt / Núi cao trời thấp có ta về / Giang hồ đâu có ai phong ấn / Mà nghĩ từ quan trở lại quê (Chẳng hay, Vũ Hữu Định)

Nhắc đến Vũ Hữu Định (1942 – 1981) – tác giả của 4 câu thơ khẩu khí chốn giang hồ đó, người ta nhớ ngay đến “em Pleiku má đỏ môi hồng” trong một thi phẩm của anh có tên “Còn một chút gì để nhớ”. Bài thơ gồm 4 khổ, mỗi khổ 4 câu, mỗi câu từ 7-8 chữ, mang theo những hình ảnh nhẹ nhàng, tế nhị của của phố núi Pleiku, từ cảnh vật: phố núi cao, phố núi đầy sương / phố núi cây xanh trời thấp thật buồn / anh khách lạ đi lên đi xuống / may mà có em đời còn dễ thương… Tới con người: em Pleiku má đỏ môi hồng / ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông / nên mắt em ướt và tóc em ướt / nên em hiền như mây chiều trong…

Bài thơ này được viết năm 1970, khi Vũ Hữu Định sang thăm một người bạn gái ở Pleiku. Cùng năm này, bài thơ được đăng báo Khởi Hành của Viên Linh và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc, rồi trở nên phổ biến với giọng hát Thái Thanh. Ca khúc được phổ theo nhịp 3/4, điệu Boston, lời thơ vẫn giữ nguyên với khổ thơ cuối được nâng lên thành cao trào.

Nhạc sĩ Phạm Duy, nhớ lại: Vì nhu cầu của nhạc luật, khi phổ nhạc một bài thơ, tôi thường hay thêm vào hay bớt đi vài câu hay vài chữ của nguyên bản, nhưng với bài Còn một chút gì để nhớ, tôi kính trọng hoàn toàn bố cục cũng như vận tiết của thi phẩm. Tôi chỉ khéo tạo ra không khí miền cao nguyên với một thanh âm ngũ cung có bán cung của dân ca miền Jarai hay Bahnar. Và có chuyển giọng ở đoạn cuối để cho bài ca có thêm màu sắc. Nội dung của bài thơ là sự đi tìm một hạnh phúc nho nhỏ trong một cuộc đời rất điên đảo, tuổi trẻ bắt buộc phải rời bỏ gia đình, làng nước để ra đi. Địa danh Pleiku với cô em má đỏ môi hồng càng làm cho người nghe hương vị phương xa dễ gây cảm xúc…

Đường Trịnh Minh Thế- Pleiku xưa

Cho đến nay, mấy mươi năm đi qua, phải nhìn nhận rằng chính Vũ Hữu Định là người đã có công đưa thành phố núi cao đầy sương và bụi mù đó vào trong trái tim của mọi người… phố núi cao phố núi trời gần / phố xá không xa nên phố tình thân… Khách phương xa có dịp đến thăm Pleiku, chắc hẳn rồi cũng ít nhiều đã yêu phố núi cao đó qua lời thơ của Vũ Hữu Định; bởi thành phố đó có cái nắng hiu hắt thật da diết: anh khách lạ đi lên đi xuống / may mà có em đời còn dễ thương…

Thời gian như dòng sông cuồn cuộn trôi qua. Thái Tú Hạp, một bạn văn cũ của nhóm sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật Quảng Đà, chia sẻ: Hôm nay đọc lại Còn một chút gì để nhớ cho chúng ta gợi nhớ đến một buổi chiều trên phố núi đầy sương có chàng thi sĩ Vũ Hữu Định lang thang u hoài viết nên bài thơ để đời. Có biết hay chăng nơi phố núi Pleiku ngàn trùng thương nhớ đó, người đẹp năm xưa như một tiền kiếp đợi chờ, cả người thơ và nhà nghệ sĩ không gian có tiếng hát như ru em vào cõi mộng mơ miên viễn. Bây giờ xa vắng hết, chỉ còn rơi lại nỗi sầu muôn thuở như ánh nắng vàng bên triền núi thiên thu…

xin cảm ơn thành phố có em / xin cảm ơn một mái tóc mềm / mai xa lắc bên đồi biên giới / còn một chút gì để nhớ để quên…

Ca Dao