Đã là ‘miệng nhà quan’ thì không thể ăn nói quàng xiên

NPV – “Giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ”. Lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói tại buổi gặp mặt 55 học sinh, sinh viên tiêu biểu ngành giáo dục năm học 2017-2018, tại Phủ Chủ tịch chiều 3-11.

Cùng nhìn lại về giáo dục Việt Nam qua những chất vấn ở nghị trường Quốc hội, nơi mà đại biểu (ĐB) Nguyễn Phú Trọng (TP. Hà Nội) cũng từng ngồi đó, nhưng có lẽ vì mãi lo ra nên… Hoặc cũng có thể ông phát biểu khi vẫn còn ngây ngất hương vị của chiếc ghế chủ tịch nước khi tiếp các bạn trẻ ngay ở Phủ Chủ tịch (!).

Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sáng 6-6-2018, ĐB Phạm Đình Cúc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu): “Mùa tuyển sinh 2017 xảy ra tình trạng 3 điểm/môn cũng có thể vào sư phạm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp?”.

“Đây là vấn đề rất báo động về chất lượng đầu vào của sư phạm. Tôi tán thành với quan điểm, giáo viên sư phạm chất lượng không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục sư phạm”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời ĐB Phạm Đình Cúc.

ĐB tỉnh Long An Đặng Hoàng Tuấn yêu cầu Bộ trưởng Nhạ giải thích vì sao trong ngành giáo dục thời gian qua lại có những sự việc liên quan đến giáo viên như cô giáo “câm”, cô giáo đánh học sinh, bắt học sinh uống nước giẻ lau…?

“Chúng tôi thực sự thấy đây là một thiếu sót rất lớn. Nguyên nhân có nhiều, từ xã hội, gia đình, bản thân nhưng trong đó có trách nhiệm từ trong ngành là khâu đào tạo, bồi dưỡng, kiểm soát, tuyển chọn trong một số trường hợp chưa đến nơi đến chốn, chưa thường xuyên khiến một số thầy cô chưa đủ năng lực, kém phẩm chất bộc phát”, Bộ trưởng Nhạ trả lời.

Trong phiên chất vấn hồi tháng 6-2018, ĐB Hồ Thị Vân (tỉnh Quảng Ngãi) dẫn lại câu nói của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi ông mới đảm nhận ‘ghế nóng’ ngành giáo dục: “Giáo dục ta đang trong giai đoạn quá độ nên phải chấp nhận để đổi mới?. Bộ trưởng khẳng định đổi mới lĩnh vực này không thể nóng vội, đây vấn đề nhạy cảm phải có lộ trình, bước đi cụ thể. Ví dụ vấn đề thi cử. Bộ đã cải cách hai kỳ thi mỗi năm thành một kỳ.

Bộ trưởng từng nói giáo dục của chúng ta đang trong quá độ, nên phải chấp nhận thay đổi để đổi mới. Bộ trưởng cho biết chúng ta phải mất bao lâu để đi hết con đường quá độ này? Sau khá nhiều thay đổi, giờ chúng ta đang đi đến đâu? Trong nhiệm kỳ của mình Bộ trưởng dự kiến đạt được bao nhiêu % đổi mới căn bản toàn diện?”, ĐB Vân đặt hàng loạt câu hỏi.

“Trước khi đổi mới phải tuyên truyền, tranh thủ ý kiến, chúng tôi cũng đã làm, mặc dù chưa được tốt nhưng quá độ phải giải quyết, không phải cứ thấy vướng thì làm nhanh, đây là vấn đề nhạy cảm nên phải có lộ trình”, Bộ trưởng Nhạ trả lời.

“Triết lý giáo dục quan trọng như Hiến pháp của quốc gia là kim chỉ nam cho hoạt động dạy và học. Trả lời cho câu hỏi này tại buổi họp báo ngày 29-4-2014, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ trước có nêu triết lý trực tiếp của giáo dục Việt Nam là Nghị quyết 29 của Trung ương. Nhưng Nghị quyết 29 dài 12 trang, còn thông thường triết lý giáo dục phải là một phát biểu ở tầm tư tưởng nhưng cô đọng, xúc tích để ai cũng thấu hiểu và thực hiện như học đi đôi với hành, tiên học lễ, hậu học văn.

Tôi dẫn chứng tại Nhật Bản coi giáo dục đạo đức là cốt lõi; cốt lõi giáo dục ở Đức là nhân bản thực tiễn; giáo dục Pháp là sau phổ thông đủ đi làm. Vậy nếu cần đúc rút một câu ngắn gọn về triết lý giáo dục Việt Nam thì đó là gì thưa Bộ trưởng?, ĐB Nguyễn Thanh Hải (tỉnh Hòa Bình) đặt câu hỏi.

Để ‘giải vây’ cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khi ấy, bà Nguyễn Thị Kim Ngân bằng quyền Chủ tịch Quốc hội đã nói: “Để trả lời câu hỏi này phải có một hội thảo khoa học thì Bộ trưởng mới có câu trả lời. Tôi đề nghị Bộ trưởng trao đổi thêm với ĐB Nguyễn Thanh Hải”.

Cho đến kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn còn nợ câu trả lời: “Triết lý giáo dục Việt Nam là gì?”.

Trở lại với lời của Tổng bí thư, chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói hôm chiều 3-11, mà ngay sau đó báo chí có đăng: “Giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ” [Nguồn: http://bit.ly/2JD9UnE] tại buổi gặp mặt 55 học sinh, sinh viên tiêu biểu ngành giáo dục năm học 2017-2018.

Có thể diễn giải là dù còn khó khăn hạn chế, nhưng với thành tích nhiều học sinh giỏi, tỉ lệ thạc sĩ tiến sĩ cao ngất như hiện nay, Bộ trưởng Nhạ xem ra xứng đáng nhận các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước. Bộ trưởng Nhạ phải được phong Anh hùng lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất. Huân chương Sao Vàng.

Trần Thành