Gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng có còn an toàn?

NPV – Trưa 26-3, Bộ Công an bất ngờ khám xét chi nhánh Ngân hàng Eximbank TP.HCM trên đường Đồng Khởi, quận 1 và dẫn giải hai nhân viên phòng khách hàng là Hồ Ngọc Thủy và Nguyễn Thị Thi vì cho rằng có liên quan đến vụ bà Chu Thị Bình mất 245 tỉ đồng.

Nguồn tin của Nam Phương Việt Online cho biết hai bị can được xác định là người có vai trò đồng phạm, giúp sức cho Lê Nguyễn Hưng (nguyên giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM – đã bị khởi tố, truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản) chiếm đoạt 245 tỉ đồng tiết kiệm của bà Chu Thị Bình.

Hình ảnh khám xét nhà băng này đã tràn ngập trên báo chí điện tử từ trưa 26-3, và trở nên ‘giọt nước tràn ly’ cho băn khoăn: Liệu người dân có còn yên tâm khi gửi tiền dành dụm vào ngân hàng?

Mượn gió bẻ măng

Viện cớ đang chờ đợi vụ án kết thúc để chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng đang là kịch bản diễn ra dần phổ biến sau vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

Vụ 245 tỉ đồng của khách hàng Chu Thị Bình gửi tiết kiệm ở Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) bị mất kéo dài cả năm coi như ‘tái khởi động’ với việc công an khám xét và bắt giữ hai nhân viên như đã nói ở trên. Tuy nhiên ở vụ án trước đó cũng ở Eximbank, nhân vật được coi là đầu vụ đã đầu thú, song vụ mất hơn 50 tỉ đồng của 6 khách hàng cũng tại ngân hàng này vẫn tiếp tục treo lơ lững.

Theo kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra, từ năm 2012 đến tháng 8-2016, Nguyễn Thị Lam, nhân viên ngân quỹ Phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương, Nghệ An đã có hành vi lừa dối để khách hàng ký vào lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, cũng như một số chứng từ Lam giả mạo chữ ký khách hàng, lừa dối nhân viên ngân hàng để rút khỏi hệ thống số tiền hơn 50 tỉ đồng trong số tiền gửi tiết kiệm của 6 khách hàng tại Eximbank.

Lam còn nhận 570 triệu đồng của một khách hàng để mở sổ tiết kiệm nhưng chiếm đoạt luôn. Đáng nói, dù đã chấm dứt hợp đồng lao động với Eximbank từ 7-4-2016 nhưng Lam vẫn lập được các hồ sơ thủ tục chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại Eximbank đến hơn 34,2 tỉ đồng.

Ngày 21-9-2016, Lam đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An tự thú. Số tiền chiếm đoạt, Lam khai dùng chi trả cho những sổ tiết kiệm của khách hàng khác gửi tại NH, dùng để mua đất, đầu tư, cho vay lãi suất cao, làm nhà…

Trước đó, vụ mất 245 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank liên quan đến bà Chu Thị Bình được thông tin rộng rãi và gây sốc cho dư luận. Vụ việc này được phát hiện cách đây 1 năm. Đến đầu tháng 2-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) đã có công văn xác định Eximbank là người bị hại trong vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM) lập chứng từ giả mạo liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của bà Bình để chiếm đoạt hơn 245 tỉ đồng của Eximbank.

“Hiện nay, Cơ quan điều tra đã ban hành kết luận điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành cáo trạng và Tòa án vẫn đang quá trình xem xét giải quyết, vẫn chưa có bất kỳ bản án có hiệu lực pháp luật nào được ban hành. Vì thế mọi ý kiến nêu trong kết luận điều tra hay bản cáo trạng mới chỉ là ý kiến từ phía Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, chưa phải là quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật phải thi hành. Do đó các ý kiến của ông, bà yêu cầu Eximbank phải ngay lập tức thanh toán, Eximbank chưa thể thực hiện”.

Đó là nội dung trong một văn bản trả lời 6 khách hàng của Eximbank, về vụ chính ngân hàng này làm mất hơn 50 tỉ đồng tiền gửi của 6 khách hàng này tại Eximbank.

Về pháp lý, lẽ ra sau khi có kết luận của cơ quan điều tra như nói trên, Eximbank phải trả tiền cho khách hàng. Tuy nhiên, ở cả 2 vụ việc, Eximbank đều muốn khách hàng chờ phán quyết của tòa. Lý do là từ tiền lệ của vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

“Tiền lệ án Huyền Như”

Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng Phòng Vietinbank Chi nhánh Điện Biên Phủ, TP HCM) được cho là chiếm đoạt tiền của Navibank với số tiền là 200 tỉ đồng.

“Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định các bị cáo đã tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt của Navibank số tiền 200 tỉ đồng. Việc điều tra, truy tố và xét xử là đúng người, đúng tội và không oan sai. Việc các bị cáo cho rằng bị ép cung là không có căn cứ bởi vì các bị cáo đều tại ngoại, có viết tường trình đúng quy định pháp luật. HĐXX nhận định Navibank đã hưởng lợi số tiền hơn 24,3 tỉ đồng nhờ lãi suất ngoài. Chính vì vậy, quan điểm của các bị cáo, luật sư cho rằng 10 bị cáo không phạm tội là không có căn cứ. Toà cho rằng việc Viện Kiểm sát không đưa các tài liệu như sao kê, bản án phúc thẩm số 02… liên quan đến số tiền chiếm đoạt tại Navibank, dẫn đến thiếu tính xác thực, nhưng HĐXX xét thấy điều này không ảnh hưởng đến tính chất của vụ án. Các bản án này đã có hiệu lực không bị kháng nghị, cần rút kinh nghiệm”. (Trích phần tuyên án tại phiên hình sự sơ thẩm, ngày 19-3-2018)

Theo cách hiểu của tòa, thì việc 10 bị cáo ở Navibank mang tiền từ ngân hàng của mình sang gửi bên Vietinbank Chi nhánh Điện Biên Phủ, TP HCM, để sau đó bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, thì lỗi ở đây là thuộc về cá nhân 10 bị cáo và Huỳnh Thị Huyền Như. Vietinbank không có trách nhiệm phải hoàn trả số tiền gửi này.

“Khi vụ án Huyền Như xảy ra, hầu như ai cũng đặt câu hỏi về việc Huyền Như là ai mà có tài xuất chúng đến độ chỉ với 1 chức vụ nhỏ là quyền Trưởng Phòng giao dịch của Vietinbank mà có thể khuynh đảo giới tài chính ngân hàng trong 4 năm, lừa 4.000 tỉ đồng các công ty, ngân hàng với vô số các chuyên gia giỏi một cách dễ dàng đến thế… Phải chăng Vietinbank là nơi ngọa hổ tàng long, chỉ một quyền Trưởng Phòng giao dịch nho nhỏ cũng có sức mạnh hơn nhiều lãnh đạo các ngân hàng khác tập hợp lại?

Kết quả điều tra của Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã khám phá ra sự thật bất ngờ hơn nữa: Huyền Như chỉ dùng 1 chiêu bài “lãi suất cao”, tự ký giả chứng từ, nhờ tay thợ vô danh làm giả vài con dấu và thế là ung dung chuyển/rút tiền hàng chục ngàn tỉ từ vô số các tài khoản của khách hàng tại Vietinbank một cách dễ dàng. Thật là đơn giản. Và kết quả điều tra này cũng làm chúng tôi bất ngờ. Khi điều tra thì Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát hình như không kiểm chứng lại lời khai nhận tội của Huyền Như mà xem như mặc nhiên đúng, không cần phải chứng minh. Kẻ lừa đảo đã thừa nhận và khai nhận mọi tội trạng rồi, chỉ cần mang ra xử và kết án là xong”.

Bị cáo Nguyễn Giang Nam, nguyên phó Tổng Giám đốc Navibank đã nói lời sau cùng như vậy trước khi tòa tuyên án.

Đúng là coi vậy mà không phải vậy!

Trước đó, tuy chẳng bao giờ đạt mức uy tín như ngân hàng ở các cường quốc ngân hàng như Thụy Sĩ, nơi uy tín đã là huyền thoại… nhưng suốt một thời gian khá dài, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn được lầm tưởng là an toàn với công chúng khi họ tin cậy ký thác tiền gởi của mình.

Bình phẩm về diễn biến nói trên, luật sư Đặng Đình Mạnh nói rằng Huỳnh Thị Huyền Như không phải là một ma nữ bình thường! Mà đích thị là Thánh Cô Bà Bà được bầy tôi Phủ Khai Phong phong thánh chứ chẳng phải chơi.

“Một, rồi vài vụ án được thăng đường, Thánh Cô Bà Bà Huyền Như được phong thánh với tội danh lừa đảo khách hàng, trong đó có bạn, cho nên Thánh Cô Bà Bà sẽ có trách nhiệm hoàn trả tiền cho bạn, đương nhiên, nếu bạn tìm ra tiền của Thánh Cô Bà Bà. Còn cái ngân hàng XYZ mà bạn đặt hết vào đấy sự tin cậy khi mang va li tiền đến ký thác cho nó, thì xin thưa: Nó vô can!

Không chỉ một, mà có vẻ như vài Thánh Cô Bà Bà cũng đã xếp hàng lần lượt hiển thánh, hóa vàng những tập giấy bạc in hình ông cụ đang mỉm cười vô tư lự.

Thân phận đệ tử, con nhang, bạn mong muốn đòi công lý và cứ nghĩ rằng công lý không phải là từ phải viết hoa! Bạn đúng và sai! Đúng vì công lý không cần viết hoa, nhưng sai vì công lý ở xứ sở này chẳng có nhiều nhặng gì ngoài tên riêng của anh hề trên sân khấu!”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh bi quan nhìn nhận.

Phương Nam