Hoang phí và bất chấp

NPV – Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT VPF cho biết suốt hai nhiệm kỳ 1 và 2 mà ông phụ trách, không có ai trong Hội đồng quản trị nhận lương. Thậm chí ông Phạm Ngọc Viễn, Phó chủ tịch HĐQT VPF nhiệm kỳ 2 còn nói rằng trong những buổi tiếp khách liên quan đến công việc của VPF, ông Thắng cũng xin phép anh em không lấy kinh phí VPF và thay vào đó ông Thắng trả bằng tiền riêng của mình.

Ông Thắng cũng nói rất rõ: “Khi chi tiêu tôi cân nhắc rất kỹ. Vì tiền VPF là tiền của các cổ đông, mà cổ đông ở đây là các CLB V-League, Hạng Nhất và tất cả các CLB hiện nay đa số hoạt động đều lỗ nên quan điểm của VPF phải cố gắng kiếm nguồn thu nhiều hơn chi”.

Đó cũng là lý do VPF thời ông Thắng không tốn một khoản phí nào khi thiết kế logo, cũng như thực hiện các đoạn phim quảng cáo hai giải V-League và Hạng Nhất. Thậm chí hai chiếc xe hơi 7 chỗ Kia Sorento và Kia Carent – tài sản của VPF – có được cũng từ nguồn tài trợ.

Về việc chọn đối tác truyền thông Next Media, trước khi đi thẳng vào vấn đề, ông Thắng phân tích các giải đỉnh cao của bóng đá Việt Nam (BĐVN) hiện nay vẫn chưa thể bán được giá cao, khi chất lượng chuyên môn vừa chưa cao cũng như vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong giới trọng tài, do đó suốt hai năm đầu tiên, Next Media chỉ có lỗ và lỗ.

Ông Thắng còn vừa cười vừa nói rằng: “Có lúc Next Media cho VPF cả thời lượng quảng cáo của họ để VPF khai thác, bởi họ không thể nào khai thác hết khung giờ quảng cáo của họ do chất lượng giải đấu mới đang ở mức cơ bản bước đầu”.

Ở đây được hiểu là Next Media thực hiện các công việc liên quan đến truyền hình trực tiếp các giải bóng đá chuyên nghiệp suốt thời gian qua nhưng không nhận tiền mặt từ VPF mà nhận bằng quảng cáo, rồi Next Media tự đi khai thác quảng cáo để bù vào chi phí.

Vậy mà VPF nhiệm kỳ 3 bắt đầu từ đầu tháng 12-2017 lại sớm đơn phương hủy hợp đồng với Next Media. Về việc này ông Thắng cũng nói tại sao HĐQT nhiệm kỳ 3 không trao đổi với HĐQT nhiệm kỳ trước để nắm vấn đề rõ hơn, mà HĐQT nhiệm kỳ trước có cả anh Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch VFF đồng thời cũng là Phó chủ tịch HĐQT VPF.

Đó là chưa nói có cả bà Trang vừa là Phó tổng thư ký VFF vừa là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2 và 3.

Ông Thắng kết luận: “Mọi chuyện hợp tác với Next Media rất rõ ràng và không có gì khuất tất. Việc ký kết hợp tác này chúng tôi tổ chức cùng với đợt ra mắt các nhà tài trợ và có công bố cả trong chương trình truyền hình trực tiếp. Tiếc rằng HĐQT nhiệm kỳ 3 đã không trao đổi với chúng tôi”.

Điểm sơ qua những nét chính để thấy VPF thời ông Trần Anh Tú mới đi vào hoạt động 4 tháng đã có không ít chuyện không hay trong dư luận: logo V-League 2018 giống với chữ ký của ông Tú; nếu như thời ông Thắng VPF không tốn một đồng nào khi thiết kế logo và làm phim quảng cáo giải thì VPF thời ông Tú phải chi đến một số tiền rất lớn dù rằng việc làm phim quảng cáo V-League, VPF có thể yêu cầu Next Media làm theo hợp đồng hợp tác đã ký mà không phải tốn kém gì thêm.

Còn chi tiết này không phải ai cũng biết, đó là VPF vừa mới mua thêm xe Toyota Fortuner với giá gần 1,2 tỷ đồng. Về mặt nhân sự, nhiệm kỳ 2 ngoài Chủ tịch HĐQT còn có 3 Phó chủ tịch HĐQT và 1 Tổng giám đốc, có nghĩa là 5 người trong khi nhiệm kỳ 3 này về mặt nhân sự lãnh đạo cấp cao VPF chỉ còn một Phó chủ tịch HĐQT là ông Trần Mạnh Hùng và ông Trần Anh Tú là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ, có nghĩa là chỉ còn 2 người.

Vậy mua thêm chiếc xe hơi làm gì khi người thì ít đi mà 2 chiếc xe 7 chỗ vẫn còn tốt? Đó là chưa nói việc mua xe không thông qua HĐQT và trong ba cuộc họp của HĐQT nhiệm kỳ 3 kể từ tháng 12-2017 đến nay thì ngoài lần đầu tiên Trưởng ban kiểm soát Lê Hồng Cường vắng mặt có lý do do trùng thời gian đám tang mẹ ông Cường, thì cả hai lần sau, HĐQT đều không mời ông Cường.

Trước những diễn tiến này, lãnh đạo VPF nhiệm kỳ 3 không chỉ tiêu xài hoang phí mà bất chấp luật pháp cũng như coi thường các cổ đông khi hoạt động không đúng theo mô hình Công ty Cổ phần.

Sau những tuyên bố ồn ào của HĐQT khoá mới, cuối tuần qua hợp đồng giữa VPF và Next Media được VPF âm thầm được ký kết trở lại mà không có bất cứ chi tiết thay đổi nào so với trước đây, kể cả chi tiết về thời hạn hợp đồng vẫn là 5 năm, mọi trách nhiệm, quyền lợi các bên vẫn như hợp đồng mà khoá cũ đã ký

* VPF thời ông Thắng để lại hơn 53 tỷ đồng và VPF thời Trần Anh Tú đã chi gần 1,2 tỷ để mua xe cho lãnh đạo mới sử dụng.

* Trần Anh Tú và Trần Mạnh Hùng Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐQT VPF nhiệm Kỳ 3. Chưa kiếm được tiền nhưng đã xài tiền hoang phí dù đó là tiền của các cổ đông.

Đặng Hoàng