Hồi ký của cố ký giả Anh Thư

LTSTháng 5-2018, là lễ cúng giáp năm cố ký giả Huỳnh Văn Thu, tức nhà báo Anh Thư. Bản thảo cuốn hồi ký này được ông viết trước khi mất gần 5 năm. Sau đó, ông phải trải dài những năm tháng cuối đời bên giường bệnh.

Sinh tiền, ký giả Anh Thư đã ủy quyền cho tôi (tức biên tập viên trang Nam Phương Việt) trong công việc biên tập, cùng các yêu cầu thủ tục hành chính cho in ấn, phát hành.

Tiếc là mọi việc dừng lại do ông mất đột ngột. Để tưởng nhớ ông, xin được lần lượt giới thiệu toàn bộ nội dung cuốn hồi ký còn dỡ dang này của ký giả Huỳnh Văn Thu.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý thân hữu, quý bạn đọc.

Minh Tâm

***

TRẢI LÒNG CỦA TÁC GIẢ

Tôi sanh ra khi nước non ly loạn trong tiếng bom rền, đạn réo của phát xít Nhật và thực dân Pháp. Những sự việc xảy ra từ bé đến lên chín tuổi thoáng qua hồn tôi rất mơ hồ. Năm 1954, 9 tuổi, tôi cắp sách đến trường là lúc hiệp định Genève chia đôi đất nước. Miền Nam được coi là vùng tạm chiếm cho đến năm 1975 mới thống nhất. Trước đó là những ngày máu đổ, xương phơi tại miền Nam, trong khi đó miền Bắc hứng những trận mưa bom hủy diệt của Mỹ khiến hàng ngàn gia đình bị chôn vùi, nhà cửa hoang tàn, đổ nát.

Trong suốt 30 năm chinh chiến, hàng triệu người Việt chết bởi vũ khí của vài quốc gia “văn minh” ở phương trời nào mà chưa một ngày dân tôi gây thù, chuốc oán. Theo dòng đời, tôi đã chứng kiến bao vận đổi, sao dời, lọc lừa, thủ đoạn, ranh ma, đắng cay, chua chát. Tôi đã nếm bao vui, buồn, đau đớn, vinh, nhục, khinh ghét, chán chường, mệt mỏi. Nửa phần còn lại của đời tôi là sau năm 1975 khi cầu Bến Hải tủi nhục được nối liền. Tuy nhiên, niềm vui hoà bình chưa thật trọn, tôi phải chứng kiến nhiều cảnh đời tan nát, oan khiên do trình độ hiểu biết và lối điều hành của một số ít cán bộ trình độ kém, giáo điều chủ nghĩa.

Tham nhũng được coi là quốc nạn. Nhiều cái chết tức tưởi do kẻ vô trách nhiệm gây ra. Những tị hiềm, những hành động ném đá giấu tay của bạn bè trong ngày gian khổ đã cùng nhau chia ngọt, xẻ bùi bên nhau. Tôi đã nén dòng lệ nóng khi chứng kiến nhiều mái đầu xanh chết dần, chết mòn vì bệnh AIDS của thế kỷ.

Tôi nghẹn ngào khi nhìn những hình hài không nguyên vẹn vì di chứng của chất độc da cam. Tôi đau xót cho những đứa trẻ bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn bên vệ đường, trước cổng chùa, trong bụi rậm… Những hành động tàn độc của những người ruột thịt, xóm giềng do tranh nhau ruộng, vườn, tiền bạc. Nhớ đến đâu, tôi ghi đến đó, chắc chắn ý tứ sẽ lộn xộn, lời văn không được chải chuốt. Song đó là những hình ảnh thật của một người đã sống qua mấy mươi năm của một thời tao loạn, một thuở thanh bình.

Kính mong quý đọc giả thông cảm lượng thứ cho những sai sót.

LÀNG QUÊ

Nhà ông nội tôi ở ấp T.L., làng H.L., tổng Phước Điền Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Tân An. Làng cách thị xã Tân An hơn ba mươi cây số, nhưng lại gần Chợ Lớn hơn, chỉ độ mươi  cây số.

Sau năm 1954, Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hoà, một phần tỉnh Tân An được chia bớt cho tỉnh mới thành lập, làng vẫn mang tên cũ, nhưng quận mới là quận Bình Chánh thuộc tỉnh Gia Định. Sau 1975, tỉnh Gia Định không còn, thủ đô Sài Gòn vinh dự là thành phố được mang tên Bác. Làng tôi gọi là xã, quận thành huyện, Bình Chánh là một trong những huyện ngoại thành của hai mươi bốn quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1954 làng tôi xấp xỉ có vài trăm nóc gia, hơn một ngàn dân, có đình thờ Thần hoàng nhưng gốc tích của làng thì lại không ai biết, sắc phong Thần cũng không có. Vài vị cao niên kể lại là từ lâu có số lưu dân từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi bị hay được vua Gia Long mang theo hoặc lưu đày sau khi Tây Sơn thất trận vào đây.

Theo dòng thời gian thì những người đồng cảnh xa xứ tụ lại lập nên làng. Lễ cúng kỳ yên của đình được tổ chức vào ngày 16 tháng giêng (âm lịch) hàng năm. Dân làng khi đến tuổi xấp xỉ 60 thay nhau được bầu vào ban Hội tề, người đứng đầu ban Hội tề là Hương Cả có nhiệm vụ quản lý và  điều hành đình.

Chức Hương Cả phần đông thường do các điền chủ hoặc người có sản nghiệp giữ. Hương Cả được dân kính trọng, họ nhờ giải quyết những vụ tranh chấp, xích mích trong gia đình và cộng đồng. Buồn, vui, giận hờn, ganh ghét, nước mắt, đắng cay thường xảy ra nơi sân đình. Trong chiến tranh, khi bên này, lúc bên kia thường sử dụng đình họp dân. Sáng quốc gia kêu gọi chống Cộng. Đêm Giải phóng về tổ chức văn nghệ liên hoan. Hai bên đều sợ mang tiếng là đụng chạm đến tôn giáo nên bom đạn tránh xa, dù những nhà cạnh đình đã thành bình địa.

Vào lễ cúng kỳ yên năm Tuất (2006), mọi người có bàn việc trùng tu lại đình. Cuộc họp sôi nổi, nhiều đề nghị “đao to, búa lớn” là phải xây đình hoành tráng, nhưng khi kêu gọi đóng góp tiền thì “quả bóng xì hơi”.

Anh N., Việt kiều là cháu nội của vị Hương Cả năm xưa, anh vượt biên năm 1977, dịp về chịu tang cha, hứa sẽ đóng góp vài chục ngàn đô xây đình mới. Khi về Mỹ, có lẽ vì nghĩ lại số tiền quá lớn hay làm ăn không được thuận lợi bởi tình hình kinh tế suy thoái nên anh chơi “tình lơ”. Anh chỉ gửi ít tiền về hỗ trợ vài chục xe đá xanh để nâng nền đình lên cao tránh ngập.

Trong những năm gần đây, đình được tu bổ khang trang hơn nhờ vào tiền đóng góp của một số người làm ăn khá giả ở TP.HCM, trong số đó có hai đứa con của chú Năm tôi, người bán vật liệu xây dựng và một người là viên chức của Ủy ban nhân dân TP.HCM.

Dân làng đông nhất là họ Võ và Huỳnh, hai họ này có vài người giàu, sở hữu trên trăm mẫu ruộng và nhiều thế lực. Những họ khác là tá điền, làng có trên mươi người không làm ruộng bỏ xứ đi xa. Không biết họ làm gì, ở đâu nhưng khi về làng, họ thường bóng gió là họ thành đạt. Họ ăn diện theo kiểu thị thành, nữ trang đỏ tay, răng vàng sáng chóa, khoe là từng trải, đi nhiều, biết rộng, tiền bạc rủng rỉnh. Họ chê dân làng không thức thời, không cầu tiến và lạc hậu, ru rú ở quê không làm nên cơm cháo gì.

Đất làng phì nhiêu, ruộng canh tác hai mùa, cây ăn trái không nhiều, loại nào cũng có ít, mùa nào trái đó, đặc biệt có giống xoài thanh ca to trái ngọt thanh.

Con sông nhỏ nằm cạnh nhà tôi chảy ra sông Cái, xuôi cửa Vàm Láng về biển Đông hiện nay đã bị lấp. Con lộ đá đỏ nằm chia đôi làng, rộng sáu mét, chiều lên hướng về Chợ Lớn, chiều ngược xuống quận Cần Giuộc, hàng ngày chỉ có chiếc xe đò cũ đi, về. Chuyến lên Chợ Lớn khởi hành lúc năm giờ sáng, trở về làng ở chuyến cuối khi nhá nhem tối. Chuyến sáng chở hành, dưa leo, cà chua, bầu, bí, đậu bắp cùng vài sản vật của làng.

Chuyến chiều mang những phụ nữ mệt mỏi, lỉnh kỉnh những hàng tạp hóa như dầu hôi, mỡ heo, xà bông, muối, thịt, khô, nấm từ Chợ Lớn về. Ngoài chiếc xe đò xộc xệch, còn có hai xe thổ mộ đã góp phần không nhỏ trong việc tới, lui.

Ở đây, ăn giỗ, đám cưới, thăm bà con ở làng bên, xuống chợ tổng, đi chợ quận, chứng giấy tờ đều dùng phương tiện xe ngựa. Tiếng vó ngựa lóc cóc trong những buổi sáng tinh mơ, khi vệ đường sương đêm còn đọng cho đến trong buổi trưa hè đổ lửa. Hình ảnh các bà già bỏm bẻm nhai trầu, vài thôn nữ dịu dàng trong chiếc bà ba xinh xắn, ngồi trên chiếc chiếu xe ngựa với những đôi gióng đầy hoa, những đôi guốc mộc mốc vào 4 cái móc sau xe, mỗi bên 2 cái đã không phai nhạt trong hồn kẻ tha hương. Thời gian đó trên quốc lộ 4 đường vắng lắm, chỉ có xe ngựa, lâu lâu vài chiếc xe nhà binh Pháp, vài chiếc xe đò cũ kỹ chạy vụt qua.

Năm tôi 12 tuổi, xe ngựa được thay bằng xe “Lam” 3 bánh nhập từ Nhật về. Mấy con ngựa già “thất nghiệp” bị xẻ thịt đem bán rẻ cho dân làng. Nhiều người không ăn vì xót thương phận ngựa, họ trách chủ xe sao đành lòng giết ngựa, sao không đợi đến khi già chết đem chôn cho trọn tình, trọn nghĩa với con vật suốt đời tận tụy, mang nguồn sinh kế cho mình.Vài người khác thực tế bỉu môi, chê bai: “Khéo làm bộ, làm tịch, bày đặt nhân nghĩa, toàn là chuyện tào lao, trời sanh vật dưỡng nhơn, thịt ngựa dễ gì có mà ăn, ngon hết biết, lâu lâu có dịp được ăn, bày đặt nói  chuyện đạo đức!”.

Ông nội tôi cương quyết không  ăn thịt ngựa, ông khuyên con cháu đừng ăn, ông cho rằng con ngựa đã giúp cho bao danh tướng. Ông thường nói: “Công lao hạn mã mà”. Người đời xem chó là con vật trung thành, điều đó chỉ đúng một phần thôi, nó khéo nịnh nên người ta khoái. Loài chó là thứ loạn luân, mẹ sanh ra nó, nó lấy mẹ nó, cứ thế tiếp tục. Con ngựa đàng hoàng lắm, không có chuyện bậy bạ đó. Tội nghiệp ngựa, dù chạy ngoài đường suốt ngày nhưng có thấy gì đâu, khi ra đường là bị chủ che hai bên mắt lại…”.

Năm học lớp Nhất trường Tiểu học Long Thượng, lớp tôi có trò Nhu là con bác Tám đánh xe ngựa. Trò Nhu sợ bị bạn chọc ghẹo vì trò cho rằng nghề đánh xe ngựa là hèn kém nên khi được ba  đưa đi học, trò đều xin ba cho dừng xe cách trường gần nửa cây số, mới lội bộ đến lớp.

Việc đến tai thầy Hiệu trưởng nên trong lễ chào cờ đầu tuần, thầy nói trước đám học trò: “Thầy rất buồn khi ở lớp Nhứt A có em xấu hổ khi ba mình đánh xe ngựa. Trong xã hội đó là nghề tốt, lương thiện, xứng đáng. Tại sao em không hãnh diện và thương yêu cha mình vì người hàng ngày lao lực để kiếm tiền nuôi em. Nếu trong trường ta, thầy biết có em  nào chế nhạo bạn ấy, thầy sẽ phạt vì đó là hành động xấu xa, vô lễ. Thầy mong từ nay việc đó không tiếp diễn nữa!”.

Sau hôm ấy, trò Nhu hãnh diện khi ba đánh xe ngựa đưa trò đến tận trường. Từ đó, ba của trò Nhu cứ vài tuần là “chiêu đãi” lớp tôi một chuyến “du hành” bằng xe ngựa thật vui vẻ. (còn tiếp)

Ảnh ký giả Huỳnh Văn Thu

Huỳnh Văn Thu