Lãi suất ngân hàng tiếp tục tăng vì… tái cơ cấu: Tín dụng đang tăng “nóng”

Thanh khoản không đều, lãi suất chênh lệch lớn. Với kỳ hạn lãi suất 6 tháng, các ngân hàng như Viet Capital Bank, GPBank, BacA Bank, NCB (ngân hàng Quốc dân), DongA Bank… đều có lãi suất từ 7%/năm trở lên, trong khi mức lãi suất của kỳ hạn này ở nhóm ngân hàng lớn (BIDV, VietinBank, VCB, Agribank) chỉ 5,1 – 5,3%/năm. Ở nhóm ngân hàng tầm trung, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng khoảng 6,8%/năm.

Ở Sài Gòn, có một ngân hàng TMCP đưa ra lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên tới 7,65%/năm. Như vậy, nếu so sánh, lãi suất huy động của nhóm ngân hàng nhỏ, đang tái cơ cấu và các ngân hàng dẫn đầu hiện chênh lệch 2 – 2,6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Chênh lệch này là do thanh khoản, độ khát vốn cũng như sức khỏe của từng ngân hàng khác nhau.

Có ai dám mua nợ xấu BOT đường bộ “đặt nhầm chỗ”?

Trong một diễn biến khác, cũng liên quan tái cơ cấu, thời gian qua một số trường hợp đã triển khai nợ xấu thành vốn góp như VietinBank tham gia làm cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa các cảng thành viên thuộc Vinalines. Cụ thể, VietinBank đã chuyển số nợ vay 5.000 tỉ đồng của Vinalines và các đơn vị thành viên thành vốn cổ phần tại các cảng thành viên khi tiến hành cổ phần hóa.

Chủ trương này cũng áp dụng với Công ty cảng Hải Phòng và Công ty cảng Đà Nẵng…

Tương tự, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chọn giải pháp mua lại 12,6 triệu cổ phần của Công ty CP vận tải biển Việt Nam (mã VOS) đơn vị thành viên của Vinalines.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng đã thực hiện phương án chuyển nợ thành vốn góp. Vào giai đoạn 2011 – 2012 Công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco) gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định, chi phí tài chính tăng cao, ngân hàng đã ngừng cung cấp tín dụng, quản trị điều hành doanh nghiệp yếu kém khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Công ty bị thua lỗ, số dư nợ đọng ngân hàng và người dân bán cá lên tới cả nghìn tỉ đồng.

Vậy là SHB đã trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 25 triệu cổ phần bằng 50% vốn điều lệ Bianfishco (Bianfishco có vốn điều lệ 500 tỉ đồng) và tham gia vào hoạt động tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của Bianfishco.

Tuy nhiên băn khoăn lớn nhất khi “chuyển nợ thành vốn góp” là thực tế hiện nay, rất nhiều ngân hàng đổ vốn cho vay hạ tầng, giao thông (nhiều dự án BOT đường bộ), bất động sản, xi măng… Nếu việc chuyển nợ thành vốn góp diễn ra ồ ạt, khi đó ngân hàng sẽ trở thành những nhà đầu tư giao thông, bất động sản, trong khi lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi chức năng nhiệm vụ của ngân hàng là kinh doanh tiền tệ, chứ không phải kinh doanh sản xuất hàng hóa hay quản lý doanh nghiệp.

Đầu tư cổ phiếu ngân hàng nào trong năm 2018?

Với bức tranh toàn cảnh phác họa như vậy về chuyện thanh khoản, câu hỏi đặt ra là cổ phiếu của những ngân hàng nào đáng để trút hầu bao đầu tư? Dự kiến trong năm 2018 này sẽ tiếp tục có thêm 4 – 9 ngân hàng thương mại sẽ được niêm yết, với một số tên tuổi mặc dù có quy mô tổng tài sản nhỏ và thị phần tín dụng còn khiêm tốn, nhưng khá năng động trong lĩnh vực digital banking như TPB (ngân hàng Tiên Phong), trong mảng đầu tư trái phiếu như TCB (ngân hàng Kỹ thương Việt Nam)…

Báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết nhóm ngân hàng đầu ngành trong lĩnh vực của mình như VCB (ngân hàng Ngoại thương Việt Nam), ACB, MBB (ngân hàng Quân đội), VPB (ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng). Trong đó, cổ phiếu VCB và ACB là một trong những ưu tiên, bởi mô hình ngân hàng truyền thống ít rủi ro và chất lượng tài sản của hai ngân hàng này đã cải thiện nhờ quỹ dự phòng tăng mạnh.

Thế nhưng lăn tăn lớn nhất đối với người dân trong năm nay là chuyện Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ đầu năm 2018, cho phép ngân hàng được phá sản. Dù lãi suất huy động đang tăng, nhưng xem ra người gửi đang phải thận trọng hơn trong việc lựa chọn ngân hàng để gửi tiền. Đây cũng là lý do khiến các ngân hàng nhỏ, yếu thêm khó khăn trong cạnh tranh huy động vốn, dù đã “xoay” mọi cách như đẩy lãi suất tiết kiệm lên cao, phát hành giấy tờ có giá…

Với dân trong ngành tài chính thì vấn đề đáng lưu ý hiện nay là câu chuyện của kiểm soát tín dụng tăng trưởng ở mức như thế nào?. Năm 2017, tín dụng tăng vọt, khiến lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng cao, nhiều ngân hàng lần đầu tiên báo lãi ngàn tỷ đồng. Năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra là 18,17%, song nhiều ngân hàng kỳ vọng sẽ sớm được điều chỉnh nhờ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Mới đây tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2018, Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản cảnh báo 15 tổ chức tín dụng khi tăng nóng tín dụng ở một số lĩnh vực không khuyến khích.

Nhiều chuyên gia tài chính họp mặt đầu năm mới Mậu Tuất đã cảnh báo rằng tín dụng của Việt Nam đã ở mức khoảng 135% GDP; có nghĩa đang tiến gần tới mức của thời kỳ bất ổn trước đó, và có thể dẫn tới rủi ro đối với cân đối tài chính của hệ thống ngân hàng.

Thảo Vy