Logistics cho phát triển nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá: “Sắp tới, tỉnh Đồng Tháp có thể hoàn chỉnh hạ tầng kết nối để hàng hóa giảm chi phí trung gian từ sản phẩm nông sản của nông dân đến tay người tiêu dùng.

Mặt khác, tỉnh Đồng Tháp cần tập trung phát triển mô hình logistics trong nông nghiệp; hình thành trung tâm logistics cho vùng ĐBSCL; chủ động mời các nhà đầu tư, tư vấn xây dựng hạ tầng cho việc phát triển logistics.

Ngành GTVT sẽ cử các chuyên gia hỗ trợ 2 địa phương là Đồng Tháp và TP.Cần Thơ trong việc xây dựng hạ tầng phát triển logistic, cố gắng tận dụng hạ tầng giao thông hiện có để kéo giảm chi phí vận tải…”.

Ông Nguyễn Văn Thể từng giữ chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nên các gợi ý của ông Thể tại Hội nghị phát triển logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng chính là những đề nghị được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đặt ra.

Miền sông nước nhưng vận chuyển lại phụ thuộc đường bộ

Ông Nguyễn Văn Dương nhận định tuy đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, nhưng lại là vùng có các chỉ số sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Nguyên nhân một phần là do chưa có chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ logistics hoàn chỉnh, hệ thống đường bộ lẫn đường thủy vẫn chưa được đầu tư phát triển đúng mức. Có đến khoảng 70% hàng hóa xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long phải vận chuyển bằng đường bộ đến các cảng khu vực miền Đông Nam bộ để xuất khẩu.

“Qua 3 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị cung ứng nông sản, địa phương càng thấy rõ tầm quan trọng của khâu dự trữ, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ nông sản, nhu cầu xây dựng hệ thống dịch vụ logistics ngày càng trở nên bức thiết.

Tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét chọn Đồng Tháp là mô hình xây dựng phát triển logistics phục vụ chuyên cho phát triển nông nghiệp, để tiến tới nghiên cứu vấn đề logistics cho nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, để kết nối giao thương cho Đồng Tháp phát triển, địa phương kiến nghị Bộ xem xét đầu tư tuyến giao thông An Hữu – Cao Lãnh. Tuyến này sẽ góp phần để Đồng Tháp kết nối với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ”. Ông Nguyễn Văn Dương nói.

Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đang quản lý và phát triển hệ thống gồm 5 cảng: Tân cảng Sa Đéc, Tân cảng Cao Lãnh, Tân cảng Thốt Nốt, Tân cảng Cái Cui và Tân cảng Giao Long.

Ông Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, cho biết, Tổng công ty với định hướng chiến lược là xây dựng trên 3 trụ cột kinh doanh chính là khai thác cảng, dịch vụ logistics và cung ứng dịch vụ biển. Tổng công ty cũng định hướng lấy khai thác cảng làm chỗ dựa để phát triển logistics và logistics phát triển cũng để thu hút hàng hóa phục vụ cho khai thác cảng.

“Đặc thù vùng đồng bằng sông Cửu Long đường bộ gặp nhiều khó khăn, những tuyến chính vẫn phát triển về đường thủy. Nhưng sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thấp, chỉ khoảng 30%, còn lại là áp lực vận chuyển bằng đường bộ. Thời gian qua, cảng trọng tâm của Tổng công ty ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là khu vực cảng Cái Cui (TP Cần Thơ) với 18 ha, kế bên là cảng Cái Cui (thuộc Vinalines) cũng đang đồng hành khai thác, biến khu vực này thành trung tâm cảng.

Các bộ, ngành cần quan tâm đến luồng Quan Chánh Bố – sông Hậu để tàu 2 vạn dỡ tải thông thương vào các cụm cảng khu vực Cái Cui. Đồng thời, đầu tư thêm các tuyến như: kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền (Đồng Tháp) rút ngắn thời gian vận chuyển tắc qua từ sông Tiền đến sông Hậu, kênh Chợ Gạo. Có chính sách cho tàu quốc tế và cảng Cái Cui…” – Ông Phùng Ngọc Minh kiến nghị.

Giảm 1% chi phí logistcs là tiết kiệm được hơn 2.000 tỉ đồng

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống đường thuỷ nội địa 14.826 km với bốn tuyến kết nối nội vùng, năm tuyến kết nối với vùng Đông Nam bộ, hai tuyến kết nối với Campuchia. Trong đó, hai tuyến đường thuỷ huyết mạch từ TP.HCM đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải lớn ra vào sông Hậu.

Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có bảy cảng biển, 34 bến cảng, 57 cảng thuỷ nội địa và gần 4.000 bến thuỷ, nhưng hạn chế chính là sự phân tán, quy mô nhỏ lẻ của hệ thống cảng, các phương thức vận tải chưa đồng bộ, năng lực các cảng còn yếu, lượng hàng hoá qua các cảng của vùng hàng năm rất thấp, (tương đương 9 triệu tấn/năm), còn lại 80% phải tiếp chuyển đến các cảng khu vực Đông Nam bộ bằng đường bộ, khiến đội chi phí giá thành sản phẩm lên cao; 1/3 chuyến xe tải sau khi giao hàng thì quay về bằng xe không.

“Chỉ cần giảm được 1% chi phí logistics, mỗi năm vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiết kiệm được hơn 2.000 tỉ đồng”, một báo cáo của ngân hàng Thế giới (WB) cho biết như vậy.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải một số điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng tập trung vào hệ thống trục dọc tại khu vực các tỉnh duyên hải phía đông đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh kết nối TP.HCM đang rất cần được tháo gỡ. Hiện nay nhiều trục trên đường bộ nối đến cảng bị hạn chế tải trọng, chưa nâng cấp ảnh hưởng đến việc đưa hàng container giữa các cảng và khu công nghiệp. Bên cạnh đó, sự không đồng bộ giữa quy mô bến cảng và luồng vào cảng là điểm yếu lớn nhất đối với cảng biển đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp tổ chức vào cuối tháng 12 năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các ngành hữu quan cải thiện nhanh chóng hơn dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị ngành hàng rau, củ quả, nói riêng và nông sản nói chung nhằm hạ giá thành sản xuất.

Với cách tiếp cận logistics là một thành tố quan trọng hỗ trợ gia tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển thị trường toàn cầu cho ngành rau – củ – quả Việt Nam, mới đây UBND tỉnh Đồng Tháp và các đối tác đã cùng ký kết trong đi tìm lời giải về bài toán khó logistic này tại địa phương.

Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Tháp, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và liên doanh 3 nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World và Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Gia Định đã ký kết “Biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng chiến lược phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng tại tỉnh Đồng Tháp”.

Trong đó, liên doanh 3 nhà đầu tư nói trên sẽ tài trợ cho hoạt động nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng tại tỉnh Đồng Tháp – mô hình điểm của đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời hỗ trợ tỉnh trong việc xác định tổng vốn đầu tư dựa trên quy hoạch phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng tại Đồng Tháp. Cuối cùng, 3 đơn vị này sẽ xúc tiến đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án phát triển hạ tầng, đô thị, logistics trong nội dung hợp tác giữa các bên.

Nguyễn Ngọc Thịnh

Ảnh 1: Do đồng bằng sông Cửu Long có luồng hẹp và nhiều cầu có tĩnh không thấp, hàng hóa được vận chuyển chủ yếu bằng ghe và sà lan đến các cảng.

 

Ảnh 2: Vận chuyển cây trái bằng đường thủy ở Đồng Tháp.

Ảnh 3: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và tìm hiểu các sản phẩm của Đồng Tháp.

Ảnh 4: Thu hoạch xoài cát Chu ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Ảnh 5 + 6 + 7 + 8: Quýt hồng là nguồn thu chính của nông dân Lai Vung, Đồng Tháp vào mùa Tết. Vào mùa Tết, cập hai bên đường nông thôn vào các xã trồng quýt, nông dân bày bán loại trái cây này đỏ rực trước cửa nhà, khiến nơi này không khác gì một chợ đầu mối quýt khổng lồ.