Nhìn lại kỳ thi ‘hai trong một’: tốt nghiệp chung với tuyển sinh

NPV – Kỳ thi ‘hai trong một’ vừa kết thúc đã đọng lại một dư âm đắng chát, với các bộ đề thi mà ngay cả giáo viên môn chuyên cũng không thể làm được đầy đủ trong khuôn khổ thời gian ấn định đó.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ‘hai trong một’ là sự kiện quan trọng của ngành giáo dục Việt Nam, được tổ chức bắt đầu vào năm 2015, dưới thời bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. Đây là kỳ thi được gộp bởi hai kỳ thi là ‘tốt nghiệp trung học phổ thông’ và ‘tuyển sinh đại học và cao đẳng’. Kỳ thi này xét cho thí sinh hai nguyện vọng: tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Bài viết tiếp theo đây xin dừng lại ở môn văn, môn mà người viết từng được làm thầy giáo, trước khi chuyển sang nghề viết – lách của nghề báo.

Bốn ông thầy bói cùng một con voi

“Bàn luận về kinh tế, về đời sống chính trị sao lại cứ như ngụ ngôn về bốn ông thầy bói cùng con voi. Ngắt 3 khổ để ra đề luận – bàn của đề thi văn ‘hai trong một’ như vừa rồi là thậm vô duyên”. Một nhà báo xuất thân là thầy giáo dạy văn nhận xét như vậy, khi 3 khổ của bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của nhà thơ Nguyễn Duy được đưa vào đề thi quốc gia.

Ông nói rằng có thể đâu đó vẫn tung hô về cách ra đề thời sự khi dùng bài thơ được sáng tác từ năm 1982 mang màu sắc chính trị, để khơi gợi tinh thần công dân của lứa tuổi 18, đôi mươi hôm nay. Tuy nhiên người ra đề quên mất rằng khi mà các thí sinh không hề biết chút gì về xuất xứ bài thơ, thì việc luận – bàn “Đánh thức tiềm lực” sẽ gần với việc hô khẩu hiệu cổ vũ tinh thần ái quốc.

Tác giả Nguyễn Duy kể: “Bài thơ này tôi làm trong 2 năm, từ năm 1980-1982, vừa làm vừa sửa. Đến mùa thu năm 1982, tiễn ông Võ Văn Kiệt, lúc ấy thôi giữ chức bí thư Thành ủy TP.HCM ra làm chức phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, chúng tôi có làm bữa tiệc rượu trong một nhóm nhỏ mấy anh em, gồm tôi, anh Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Công Sơn… Bữa tiệc đó mời ông Sáu Dân đến uống rượu, tôi công bố bài thơ này với đề từ là “Tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế”. Tôi dồn hết cả tâm huyết trong thời hậu chiến lại để mà làm. Nói gì thì nói, lúc ấy đất nước còn đói khổ lắm, từ tiềm lực, tiềm năng về kinh tế thì nhiều nhà lãnh đạo nói lắm. Nhưng vấn đề là làm thế nào để đánh thức nó dậy?…” (trích – http://bit.ly/2tvbBN4)

Văn chương và tung hô chính trị

Một nhà báo khác cũng từng là thầy giáo môn văn, tiếp lời: Đề văn là phải có tính văn chương, phải hướng người làm bài đến những cảm xúc mà văn chương tạo ra là chân thiện mỹ, giá trị tâm hồn Việt và những giá trị phổ quát của con người. Đề văn quá chú trọng đến thời sự, hoặc lấy hẳn thời sự làm chủ đạo thì không phải là đề văn nữa. Chính trị có thể hôm nay đúng, mai sai nhưng văn chương đích thực chân thiện mỹ thì trường tồn.

“Khi còn học sinh tôi rất thích môn văn và đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Văn tỉnh Sông Bé (Bình Dương và Bình Phước hiện nay), tôi đạt điểm cao qua các kỳ thi, kể cả kỳ thi quốc gia vì bởi biết liên hệ thời sự. Tuy nhiên, trong nhiều năm dạy văn cho học sinh THPT sau đó và kinh nghiệm của người viết sau này tôi thấy cách làm đó không ổn. Nhà trường tạo căn bổn chính trị công dân cho học sinh phải bằng tư duy khoa học, đánh giá công bằng những hiện tượng chính trị xã hội bằng sự trung thực, chính xác của lịch sử chứ không phải bằng cảm xúc yêu cái này, ghét cái nọ. Tính văn chương của bộ môn văn cần phải xem là tư tưởng chủ đạo của việc dạy và học, căn bổn của người Việt, học trò Việt là lòng yêu nước thương nòi tự nhiên,bản lĩnh chính trị công dân phải hình thành từ đa nguồn chứ không gò ép bằng môn văn”. Nhà báo này nhận xét.

Còn với một nhà giáo khác hiện đang giảng dạy bậc đại học, đã nói rằng giả dụ ông được chấm bài thi có nội dung thế này, chắc ông buộc phải cho điểm liệt, mặc dù thí sinh nhìn đúng sự thật: “Bài thơ “Đánh thức tiềm lực” quá lạc hậu. Vì đơn giản là tiềm lực có còn đâu mà ngủ yên. Dầu mỏ biển Đông hút lên bán gần hết rồi; còn ít nhiều thì đã bị bọn bành trướng tham lam đang dùng đường lưỡi bò chiếm hết.

Cũng theo đó ngư trường bị chúng lấn chiếm, thu hẹp tối đa, nay mai biển của ta chỉ còn rộng hơn cái ao làng một chút. Cá bị đầu độc bởi những tập đoàn như Formosa, chúng đã chạy tít ra tận khơi xa, vượt ra ngoài cái ao làng ấy thì dân còn đâu để mà đánh bắt. Cát biển, cát sông cũng bị hút lên mang bán hết cho những nước xung quanh. Mỏ than cũng đã cạn kiệt rồi, còn ít quặng Tây Nguyên nhiều người khuyên để dành cho con cháu cũng kí kết đào lên bán hết… Lãi lời đâu chưa thấy, chỉ thấy lỗ và lỗ triền miên không biết khi nào trả được, trước mắt chỉ thấy họa môi trường…”.

Hãy trao quyền tuyển sinh cho các trường

Trong môn văn khi thi tuyển vào các trường đại học thời chưa có ‘hai trong một’, ai cũng biết về độ chênh rất rõ nét trong cách chấm thi của giảng viên đến từ trường Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, với các đồng nghiệp từ Đại học Sư phạm. Sự khác biệt này xuất phát từ nội dung giảng dạy. Môn văn ở trường sư phạm, thường phải giảng dạy cho các giáo sinh sao cho phù hợp với nội dung sách giáo khoa khối trung học mà mai đây các giáo sinh sẽ giảng tập, và trở thành các thầy cô giáo.

Ở khoa văn trường Đại học Tổng hợp thì không chịu áp lực đó. Vụ án “Nhân văn giai phẩm” là những tiết học đầy lôi cuốn ở giảng đường của Tổng hợp, song có lẽ lại mờ nhạt kiểu ‘dạy cho có’ với giảng đường Sư phạm. Góc nhìn thoáng trong chấm bài thi của giảng viên Tổng hợp vì thế cũng khác hẳn so đồng nghiệp bên Sư phạm.

Nếu người thầy đang dạy bậc đại học như nói ở trên buộc lòng phải cho điểm liệt nếu thí sinh dám chê bai, xách mé tác giả “Đánh thức tiềm năng”, thì với các thầy cô giáo Tổng hợp, rất có thể họ sẽ cho thang điểm cao nhất vì thí sinh nhìn đúng và… dũng cảm.

Cả hai cách chấm đều đúng, vì nhằm cho mục đích tuyển sinh đầu vào phù hợp cách đào tạo của từng trường. Như vậy, nên chăng nếu không thể trở lại cách tuyển sinh đại học như trước năm 2015, thì cần mạnh dạn trao hẳn quyền tổ chức các kỳ thi tuyển sinh do chính trường đại học đó ra đề và chấm thi.

Nói một cách khác, các trường đại học phải có quyền đưa ra tiêu chí của họ, đưa ra các quyền của họ về tuyển sinh, về xét tuyển, cũng như thi tuyển. Còn hiện nay thì cơ quan quản lý nhà nước mà lại quyết định tất cả công tác xét tuyển của các trường, để cả thí sinh, phụ huynh phụ thuộc vào nguồn dữ liệu duy nhất. Cuối cùng hoá ra cả nước chỉ có một trường đại học?

Nguyễn Cao – Thảo Vy

Ảnh: Duyên Phan