Nhớ… Văn khoa

Nhớ… Văn khoa

(Kính tặng nhà báo Anh Thư, một sư huynh Văn khoa cũ)

Lại một mùa tuyển sinh đại học. Với nhiều nhà báo trung niên, hai từ “Văn khoa” gợi nhắc về ngôi trường Đại học Tổng hợp (ĐHTH) từ sau 1975 đến thập niên đầu 90 thế kỷ 21. Còn với các nhà báo “lão thành” đất miền Nam, thì “Văn khoa” chính là tên “cúng cơm” của ngôi trường ĐHTH trước 1975. Nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Dài dòng như vậy để thấy rằng nhà báo Hoài Hương Tử đã chia sẻ cảm xúc trong một bài thơ sáng tác cách đây xấp xỉ 40 năm, cho đến nay vẫn gây biết bao bồi hồi: Mỗi lần qua Văn Khoa / Bỗng dưng đôi mắt nhòa / Niềm đau theo lệ nhớ / Nay còn ta với ta (Người em Văn khoa, Hoài Hương Tử).

Rời trường đại học để bước vào đời lâu lắm rồi, nhưng hễ mỗi khi phượng nở cháy trời mùa hạ là người ta chợt có những phút giây chạnh nhớ đến những gương mặt bè bạn từ bốn phương tụ lại suốt 4 năm trời dưới ngôi trường đại học ở hồi nào. Nơi ấy, giờ bằng lăng tím ngắt đến nao lòng. Tháng nắng, tháng mưa, tháng ùa về nhắc lại thuở mới lớn. Ở đó có mối tình sinh viên đẹp như những câu hát mẹ ru. Ở đó có những hò hẹn vụng dại đã trôi về miền cổ tích, để mỗi hạ về lại chợt nhói trong tim.

Mỗi lần qua Văn Khoa / Bỗng dưng ta thấy già / Em còn ôm sách vở / Hay âm thầm xót xa.

Vào hạ, cái nắng vàng tươi óng ánh như trải thảm trên mặt đất, tạo dáng vẻ quý phái cho muôn loài. Gió đưa mùi hương ngọt ngào quyến rũ từ những vườn trái cây chín như rắc mật làm cho lòng người ngây ngất say. Mơ màng về thuở xa xưa trong ký ức, nơi đó có hình bóng của người bạn học năm nào từng cùng mình mơ tưởng đến sau này về một mái ấm tinh khôi cùng với những giọng cười bi bô của các thiên thần kết tinh từ tình yêu thuở đầu đời.

Tan trường chờ em ra / Ngắm em trong nắng tà / Bàn chân son nhẹ bước / Tâm hồn anh thiết tha.

Vào hạ còn làm nhung nhớ tháng ngày chuẩn bị tốt nghiệp với biết bao hò hẹn sẽ cùng gặp lại nhau sau này trên chốn… gian truân cuộc đời (chả là sinh viên sắp ra trường ai cũng hiểu để xin việc làm “đúng ngành” là một “đoạn trường tân thanh” mà cụ Tiên điền có hiển linh cũng không hình dung hết “tiếng kêu đứt ruột” của sinh viên tốt nghiệp lang thang mưu sinh!).

Vậy đó, song những háo hức chen chân vào đời đã “hồn nhiên” khiến mối tình sinh viên phút chốc chợt rơi vào miền cổ tích. Để mỗi khi nhìn nắng, có một chút gì nhoi nhói trong tim.

Hỡi người em Văn Khoa / Dáng em chưa xóa mờ / Nghe chừng như sống lại / Trong chuỗi ngày đã qua.

Vào hạ, những cơn mưa đầu mùa như trò chơi của các vị thần muốn thử thách trần gian, tiếp đón các vị sứ giả của giông bão… Những giọt mưa khi to khi nhỏ, lúc nhẹ nhàng rớt xuống đủ dịu đi màu vàng chói chang của nắng, lúc sầm sập đổ ập phũ phàng không kịp cho nắng trốn chạy. Mưa gieo vào một góc kín trong tim những nỗi niềm sâu lắng. Nơi ấy đã có thuở mà giờ đây làm cho ai đó tiếc nuối ngậm ngùi: Ngày xưa trường Văn Khoa / Lá me xưa chưa già / Non màu xanh như biếc / Như tuổi hồng gấm hoa.

Rồi mưa khơi dậy những kỷ niệm một thời nồng nàn. Lặng lẽ qua màn mưa, bóng dáng người xưa như thấp thoáng, ẩn hiện, chợt xa chợt gần, như vừa e ấp bên nhau. Bỗng chớp mắt người ngọc đã tan theo mưa trôi mãi phương nào, để lại cảm giác nuối tiếc, nghẹn ngào. Mưa hay nước mắt của trời ướt đẫm những tâm hồn, để rơi trên những trang thơ của thi nhân. Mưa là nàng thơ của ký ức: Nay ngồi nhìn Văn Khoa / Nhìn lá và nhìn hoa / Lá hoa giờ rã cánh / Theo cuộc tình bay qua.

Ngoài kia hoa phượng nhuộm thắm không gian như muốn làm đẹp thêm cho cuộc sống. Hoa phượng đỏ chan hòa trong nắng hồng chiếu rọi. Hoa phượng cho đến lúc rời cành cũng không nhạt màu phai sắc. Hoa phượng cũng như tiếng ve đi vào thơ, vào nhạc làm nhạc, thơ thêm quyến rũ. Và hôm nay chợt ngang trường cũ, dường chừng có hạt bụi vô tình nào đó rơi vào khóe mắt, một chút cay cay hệt như nhà thơ Hoài Hương Tử hồi nào: Anh vào trường Văn Khoa / Giủ hết bụi đường xa / Giang hồ nay bạc áo / Còn đây suối lệ nhòa.

Ca Dao