Nơi ấy, biển quê hương

Biển luôn là một đề tài muôn thở. Biển mang đến rất nhiều cảm xúc. Nơi ấy, đời sống dân làng chài luôn là những khung hình lấp lánh về tình người gắn bó, thủy chung bên nhau.

Nghề đi biển đòi hỏi phải có sự đồng lòng. Chiếc ghe biển không thể nào ra khơi nếu trên ghe chỉ có 1 người, mà phải từ 5-6 người và có thể nhiều hơn. Những người đi theo ghe được gọi là “đi bạn”. Ở làng chài, đàn ông, trai tráng thì thạo nghề biển, còn chị em phụ nữ thì vá lưới, phơi cá và bán buôn những sản vật mà những người đàn ông mang về từ biển khơi.

Nơi ấy, ghe biển vừa cập bến, dẫu không biết “chiến lợi phẩm” thế nào, nhưng từng khuôn mặt những người “hậu phương” đã hiện lên rõ vẻ vui mừng.

 

Nơi ấy có ánh nắng chắt chiu đang hắt bóng người phụ nữ chịu thương, chịu khó với hàng ngàn vỉ cá của nghề phơi cá khô, cá hấp.

Nơi ấy, có nghề vá lưới thuê mưu sinh. Nghề vá lưới thuê này đa số là phụ nữ, họ được xem là hậu phương vững chắc của cánh đàn ông nơi biển xa.

 

Nơi ấy, trẻ con làng chài đen đúa, gầy gò cũng ra biển từ sớm, loanh quanh luẩn quẩn xung quanh và chơi những trò chơi rất biển. Thế mới biết hạnh phúc từ những điều giản đơn nhất: Ngày ngày từng đoàn thuyền vào lộng ra khơi – Cuộc sống cứ trôi – bình an thanh thản

Với nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Sơn thì nơi chốn ấy, biển là quê hương!

Minh Tâm (giới thiệu)

Bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Sơn