Tại sao ngày rằm tháng 7 còn gọi là ngày lễ Tự tứ?

NPV – Ngày này còn gọi là ngày Phật hoan hỷ.

Tự tứ là một thuật ngữ của Phật giáo. Tiếng Phạn là Pravaranà (Bát Thích Bà) cách dịch cũ là Tự tứ, cách dịch mới là Tùy ý.

Buổi lễ này được diễn ra vào ngày cuối cùng của 3 tháng an cư kiết hạ, theo luật tiền an cư là ngày 16 tháng 7, hậu an cư là ngày 16 tháng 8, ngày đó mọi người tự nêu ra các tội lỗi mà mình đã phạm phải trước mặt các vị Tỳ kheo khác, và tự sám hối, nên gọi là Tự tứ.

Còn gọi là Tùy ý, vì là tùy theo ý của người khác mà nêu ra các lỗi mình phạm phải, nên gọi là Tùy ý. (Từ Điển Phật Học Hán Việt trang 1447)

Đây là một buổi lễ mà chư Tăng Ni sau 3 tháng an cư kiết hạ, ai có lỗi lầm gì phải tự phát lồ sám hối trước đại chúng. Hoặc đại chúng thấy, nghe, hay nghi vị nào đó có phạm tội lỗi, thì có thể chỉ bảo cho vị đó sám hối.

Thông thường, ai cũng che đậy những lỗi lầm của mình, ít ai  dám phơi bày cái lỗi lầm của mình cho người khác biết. Bởi thế có câu: “Xấu che, tốt khoe”.

Ngược lại, đằng nầy chư Tăng Ni không vì tự ái bản ngã cá nhân, mà tự thổ lộ những điều sái quấy của mình trước mặt mọi người. Bởi do sự thành thật chỉ lỗi cho nhau trong tinh thần hòa ái, tương kính, nên chư Phật trong mười phương thảy đều hoan hỷ. Do đó, nên ngày này còn gọi là ngày Phật hoan hỷ là như thế.

(Ghi theo lời của Thượng tọa Thích Thiện Minh, Tịnh thất Lộc Uyển, Hóc Môn, Sài Gòn)

Trí Minh