TRÊN DÒNG SÔNG ẤY CÓ MỘT CHUYẾN ĐÒ

NPV – Hè về. Sắc phượng chảy bỏng những nỗi nhớ khôn nguôi về bè bạn, về tình thầy trò. Xin giới thiệu một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Nhật về người đưa đò.

Bước chân dài trên cát, tôi đợi chuyến đò ngang đưa tôi qua bên kia sông, nơi mà gia đình đang chờ đón tôi trở về sau 2 năm theo học trên thành phố. Vẫn cái cảm giác đó, chuyến đò lâng lâng trên từng con sóng nhẹ, chiều hoàng hôn buông, đỏ rực 1 góc trời vừa đẹp đến rạo rực nhưng lại dường như ẩn chứ 1 nỗi niềm sâu thẳm.

Con đò vẫn nhẹ nhàng như vậy, rồi cập bến. Một cái ôm thật chặt ba tôi nhẹ nhàng hỏi thăm, còn mẹ tôi thì rươm rướm nước mắt  vì 1 lẽ thằng con trai độc đinh đã về sau 2 năm xa nhà. Vỡ òa trong niềm hạnh phúc đoàn tụ với gia đình, tôi quên hết cái mệt nhọc trên quãng đường dài hơn nửa đất nước mà tôi đã đi trong 2 ngày qua.

Bất chợt tôi bắt gặp một ánh mắt , một khuôn mặt nhìn sao thân thuộc quá, sao mà ấm áp. Đãng người đi một lúc, tôi mới giật mình nhận ra. Ôi đó là Thầy Vũ- người thầy chủ nhiệm suốt 3 năm cấp ba của tôi và chính là người kéo tôi ra khỏi vũng bùn của một kẻ yếu đuối và chắp thêm hi vọng cho tôi. Ngày tôi đi, cũng  cùng với gia đình  tôi, Thầy cũng đứng đó, chỉ nhìn mà không nói điều gì cả, và giờ khi tôi trở về Thấy vẫn ở đó như một một lời nhắc nhở rằng có một con đò luôn chờ tôi cấp bến.

Trong một tuần ngắn ngủi tôi tranh thủ ghé thăm họ hàng, tâm sự với cha mẹ, và cố gắng thực hiện lời ước hẹn 2 năm trước. “Cái ngày đầu tiên tôi trở về sau khi xa quê đi học, lũ bạn thân của tôi sẽ cùng nhau đến nhà Thầy chủ nhiệm để nói lời xin lỗi.”

Trong hai ngày cuối cùng của kỳ nghỉ ngắn ngủi, chúng tôi cùng nhau đến nhà Thầy, nhà Thầy tôi ở cuối cổng làng chỗ có mấy hàng tràm đung đưa theo gió và cây thị sai trái ngát hương mỗi độ thu về. Đến nơi, hàng hồng đỏ ngát như đón chào chúng tôi với vẻ tươi trẻ nồng nàn, hàng râm bụt như gửi lời chào thân thuộc với những đứa trẻ giờ đã lớn khôn. Đùn đẩy lẫn nhau, chân này vướng chân kia chẳng đứa nào trong lũ chúng tôi đủ tự tin để bước vào ngôi nhà ấy.

Bởi lẽ 4 năm trước, khi chúng tôi còn là những cô cậu học sinh thiếu suy nghĩa. Khi ngày thi gần đến nơi mà chúng tôi vẫn cắm đầu vào mấy quán nét ven đường. Và chính Thầy là người đã bỏ cả những tiết dạy ở trường để tìm chúng tôi về, bắt chúng tôi học và dẫn lỗi chúng tôi. Nhưng suy nghĩ của mấy đứa trẻ lại không phải như vậy, chúng tôi cảm thấy bị trói buộc, bởi lẽ vậy chúng tôi cùng nhau viết một lá thư gửi cho Thầy.

Lá thư đó là những lời trách móc và câu nói được đánh đậm “cuộc đời chúng em, chúng em tự lo, không liên quan đến người ngoài như Thầy”. Sau cái ngày gửi lá thư đó đi, Thầy dường như vẫn chẳng mảy may để ý, vẫn suốt ngày càu nhàu chúng tôi “mấy anh chị lo mà học đi”, nhưng từ dạo ấy chúng tôi rất ít khi được nhìn thấy nụ cười của Thầy.

Rồi thời gian cứ trôi , bỗng chốc chúng tôi đã là học sinh cuối cấp, đã lớn hơn một chút, biết suy nghĩ hơn và trở thành những học sinh có thành tích học tập đầu trường. Đó là cái thành tựu rõ ràng nhất của Thầy chủ nhiệm, suốt những ngày qua vẫn luôn bên chúng tôi kèm cặp chúng tôi như chính con của Ông ấy vậy. Rồi ngày lễ tốt nghiệp cũng đến, buổi liên hoan chia tay vừa vui vừa buồn ấy đã điểm tôi cho ký ức của tôi và những người khác thêm những màu sắc đẹp. Và cũng chính ngày hôm đó không biết do định mệnh sắp đặt mà  cái lá thư ngày xưa lại rơi ra từ chiếc cặp Tap của Thầy xuống chân chúng tôi. Cùng nhau đọc lại , nước mắt đứa nào cũng rơi trong sự hối hận.

Rồi! Từng chiếc giấy báo nhập học về, mỗi đứa chúng tôi có những lựa chọn khác nhau, trong số đó chỉ có tôi là người duy nhất chọn nhập học tận ở tp Hồ Chí Minh. Còn lại lũ bạn tôi, bọn nó đều ở lại học ở quê nhà. Theo những là thư nhập học, chúng tôi bay vào con đường mới, với cái ước hẹn vẫn còn dang giở, cả đám phải cùng nhau đến nói  lời xin lỗi, lẫn lời cảm ơn với Thầy.”

Đang loay hay đùn đẩy nhau, tiếng gọi của Thầy vọng ra: “Làm gì đó nữa mà không chịu vào vậy mấy cô mấy cậu”. Theo tiếng gọi chúng tôi bước vào.

Ngôi nhà của Thầy vẫn vậy, vẫn cổ kính với bức tường rêu phủ kín, mấy cái cột nhà bằng gỗ thô kệch, sần sùi  vì sự bào mòn của thời gian, và cả cái sân rộng lát gạch đá cuội. Hai tiếng trôi qua, chúng tôi cùng thầy ôn về những gì của ngày xưa, những ngày Thầy trò tôi có nhau, nhưng chẳng ai nhắc đến lá thư đó cả.

Cũng gần tối, chúng tôi lại phải về, để ngày mai tôi lại vào thành phố đi học. Cái không khí vui tươi bỗng trầm hẳn xuống, có cái gì đó buồn buồn, chúng tôi lại sắp phải nói lời chia tay với Thầy và không biết đến khi nào chúng tôi lại đầy đủ như ngày hôm nay. Trong giây phút quý giá đó, tôi cùng nắm tay mấy đưa bạn và rưng rưng cất lời: “Chúng em thật sự xin lỗi Thầy nhiêu  ạ, xin lỗi Thầy vì bức thư ngày đó, xin lỗi vì những phút bồng bột không nghe lời thầy và chúng em cảm ơn Thầy người đã đưa chúng em đến được như ngày hôm nay”. Thầy vẫn chẳng nói gì, chỉ cười một nụ cười sảng khoái rồi tiễn chúng tôi về. Vậy là Thầy đã cười với chúng tôi, nụ cười thật sự sau ngừng ấy năm chịu đựng vì lũ học trò ngang bướng.

Ngày chia tay đến, trên bến đò bạn bè gia đình và cả Thầy nữa tiễn tôi đi với những lời chúc tốt đẹp. Riêng thầy, ông ấy gửi tôi một bức thư và bảo khi nào bế tắc nhất hãy lấy ra và đọc.

Tạm biệt quê nhà cùng tất cả, tôi lại lên chuyến đò sang ngang để đến với trạm tàu bên kia sông. Trong suốt cuộc đời này tôi đã đi và sẽ đi hàng trăm chuyến đò khác, qua hàng nghìn con sông. Nhưng có một con đò, một dòng sông mà tôi chỉ đi qua một lần và mãi mãi. Đó là con đò mà Thầy tôi chèo, và con sông đó chỉ chảy vẻn vẹn trong 3 năm cấp ba ngắn ngủi. Giờ nó  là quá khứ. Nhưng Thầy tôi vẫn ở lại trung thành với con đò của mình vẫn không ngừng đưa biết bao thế hệ qua sông.

Rồi mai đây, cũng có ngày con đò của Thầy chẳng thể đi nữa, Thầy sẽ trở về với đất mẹ, bởi tóc thầy đã bạc ít nhiều rồi, chẳng phải vì bụi phấn hay gì khác. Mà vì thời gian vẫn trôi và Thầy vẫn chèo thuyền mặc gió mưa mặc bão bùng. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, vẫn còn đó Dòng Sông và Con Đò để tôi nhớ về.

Gửi lời lời cảm ơn! Lời tri ân! Một lẽ biết ơn tới những người chèo đò thầm lặng!