Trước tiên người đó phải đang là nhà giáo

Tổng số người đạt tiêu chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước. Trong đó, tân GS trẻ nhất được công nhận là GS Phạm Hoàng Hiệp (SN 1982, quê Hải Dương). Có bạn đọc thắc mắc: để được làm GS, PGS thì người đó có phải đang là nhà giáo?

Câu trả lời được tìm thấy tại Nghị định số 20/2001/NĐ-CP, về “quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư”.

Tại Điều 3 của Nghị định nêu trên ghi: “Đối tượng được xét công nhận chức danh GS, PGS gồm: 1. Nhà giáo thuộc biên chế giảng viên của các loại trường đại học (sau đây gọi tắt là trường đại học); 2. Nhà giáo không thuộc biên chế giảng viên của các trường đại học nhưng đang tham gia đào tạo đại học và sau đại học theo quyết định làm nhiệm vụ giảng dạy hoặc hợp đồng thỉnh giảng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký; 3. Nhà giáo nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học ở Việt Nam”.

Điều 9 và Điều 11 của Nghị định số 20/2001/NĐ-CP cho biết cụ thể như sau: Người được công nhận chức danh GS, PGS phải có các tiêu chuẩn và điều kiện chung sau:

  1. Có đủ các tiêu chuẩn của nhà giáo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục (thay thế bằng khoản 2 Điều 70, Luật Giáo dục 2005), thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại Điều 63 Luật Giáo dục (thay thế bằng điều khoản tương đương tại Điều 72, Luật Giáo dục 2005), trung thực, có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và khách quan trong công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ;
  2. Có bằng tiến sĩ từ 3 năm trở lên kể từ ngày cấp bằng; 3. Có đủ số công trình theo quy định của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, trong đó có ít nhất 25% được thực hiện trong 3 năm cuối tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xét chức danh giáo sư, phó giáo sư;
  3. Có báo cáo khoa học tổng kết các kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ của cá nhân phù hợp với chuyên ngành đăng ký xét chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư; 5. Đạt số phiếu tín nhiệm của Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp theo quy định tại khoản 8 Điều 17 Nghị định này.

(“Các quyết định của Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp chỉ có hiệu lực khi có ít nhất 3/4 số thành viên của Hội đồng tham gia biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín với tỷ lệ quy định như sau: a) Đối với Hội đồng Chức danh giáo sư cấp cơ sở phải có trên 2/3 số thành viên có mặt tại phiên họp tán thành; b) Đối với Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành phải có trên 3/4 số thành viên có mặt tại phiên họp tán thành; c) Đối với Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phải có trên 1/2 số thành viên Hội đồng có mặt tán thành”).

Điều 11. Ngoài những tiêu chuẩn và điều kiện chung quy định tại Điều 9, chức danh giáo sư có những tiêu chuẩn riêng sau: 1. Có chức danh phó giáo sư từ đủ 3 năm trở lên và 3 năm cuối tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xét chức danh giáo sư đang đào tạo đại học sau đại học; 2. Hướng dẫn ít nhất 2 nghiên cứu sinh trong đó hướng dẫn chính 1 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; 3. Biên soạn giáo trình, sách phục vụ đào tạo đại học hoặc sau đại học phù hợp với ngành đăng ký xét chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư đã được xuất bản và nộp lưu chiểu; 4. Có đủ số bài báo khoa học đã được công bố theo quy định của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước;

  1. Chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp Bộ trở lên và tương đương. Kết quả nghiệm thu ít nhất là đạt yêu cầu; 6. Sử dụng thành thạo một trong năm ngoại ngữ : Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức.

Như vậy có thể thấy rằng chức danh giáo sư chỉ có ý nghĩa về học hàm, và phát huy giá trị khi người đó thực sự đang góp phần đào tạo nguồn nhân lực.

Nguyễn Cao