Từ câu chuyện cô giáo cho đến chai nước mắm: gieo gì gặt đó

NPV – Phải chăng đó là hệ lụy của một nền quản trị quốc gia thiếu sự cạnh tranh?; của một đất nước cả trăm triệu dân, nhưng vẫn quen thuộc câu cửa miệng: “Đảng và Nhà nước lo”?.

Bên bàn cà phê, giới trẻ ít nhiều bàn luận về nước mắm kèm vẻ hoài nghi trình độ của các quan chức Hà Nội. Bởi, “nước mắm”, một từ mà tự điển Larouse vẫn giữa nguyên là “nuoc mam”, với giải thích là cá được ủ muối cho ra một dung dịch gọi là “nước mắm”. Nay thì các quan chức Hà Nội lại đưa ra một định nghĩa khác, “nước mắm” là sự pha trộn giữa các loại hóa chất tạo mùi, màu, chống mốc, hương nhân tạo, chất điều vị và thành phần được gọi là “tinh nước mắm”. Còn hiểu thế nào là “tinh nước mắm” thì không có giải thích.

Nước mắm là thứ gia vị không thể thiếu trong bữa cơm gia đình. Thế nhưng vì sao người lao động dường như ít quan tâm hơn so chuyện xì căng đan tình dục của cô giáo ở La Gi, Bình Thuận hồi đầu năm nay? Phải chăng đó thuộc nhóm vấn đề liên quan “Đảng và Nhà nước” lo?

Nhiều ý kiến cho rằng với thuyết âm mưu, “Đảng và Nhà nước” muốn cậy truyền thông đẩy mạnh những tình tiết kịch tính trong vụ “vòng tay học trò” ở một trường phổ thông trung học xứ biển Bình Thuận. Thời điểm đó, về đối ngoại, “Đảng và Nhà nước” đang phải đối mặt với các phiên giải trình về nhân quyền tại Uỷ ban nhân quyền Liên Hợp Quốc. Thế nhưng xem ra lại có hiệu ứng ngược, khi mang so sánh câu khẩu hiệu huấn thị trước đây thường được treo ở nhiều lớp học về “sánh vai được với các cường quốc năm châu được hay không…”. Bởi cách nào để sánh vai, khi giáo dục lại sản sinh ra những ‘cổ máy cái’ là cô giáo trong ‘vòng tay học trò’, còn thầy giáo thì ấu dâm như chuyện ở trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận Thủ Đức, TP.HCM…

Với một nền giáo dục dường chừng cứ mãi tuột dốc như vậy, có phần nguyên do từ một số quan chức đã không làm đúng bổn phận của mình. Bởi nếu làm đúng, thì nước mắm phải là cá, chứ không phải là hóa chất pha chế, đóng chai bán đầy ở chợ. Bởi nếu làm đúng, thì với các vụ án có dấu hiệu hình sự như ‘vòng tay học trò’, như thầy giáo ấu dâm, cưỡng dâm học trò…, cơ quan thực thi pháp luật phải vào cuộc ngay từ đầu, chứ không phải vì mục đích đẩy lên để ‘pha loãng dư luận’ cho một sự kiện chính trị nào đó, rồi thả nỗi cho dư luận mặc tình dèm pha.

Nhiều khi lại chẳng có thuyết âm mưu nào ở đây. Trong chuyện nước mắm, ý kiến cho rằng liệu có thể gọi thứ nước chấm như Masan đang sản xuất từ pha chế các loại hóa chất, là nước mắm hay không?; hay đó là hành vi của nước chấm mang tên nước mắm để đánh lừa người tiêu dùng? Đó là thứ nước mắm giả cầy?

“Có lẽ vậy, nếu không thì các quan chức Hà Nội đâu có làm đủ mọi cách để cho ra đời bộ tiêu chuẩn nước mắm đánh đồng sản xuất thủ công nước mắm nhà thùng gồm cá, muối với thứ nước pha hóa chất cùng ‘tinh nước mắm’ nhưng vẫn đường hoàng gọi là nước mắm!”. Một chuyên gia hóa thực phẩm của trường Đại học Khoa học, nhận xét. Thứ nước mắm hóa chất này lại đang được bảo kê bằng bộ tiêu chuẩn chất lượng mà “Đảng và Nhà nước” nhăm nhe ban hành.

Phê phán vậy thôi chứ thật tế thì Việt Nam là xứ ngoại lệ, cái gì cũng có thể giả. Giả trở thành thật. Giả trở thành “chính qui”, thành “lãnh đạo”. Còn những cái thật, học thật làm sao bằng “học giả” kiểu đó… Kiểu như mai này nước mắm thật, truy ra từ bộ tiêu chuẩn mà các quan chức sắp đưa ra, các nhà thùng có thể ‘phạm’ đủ thứ qui cách. Người làm nước mắm cha truyền con nối hơn hai trăm năm qua, có thể bị ‘hầu tòa’ như chơi…

“Người ta sống ở quê, người ta ăn từ nhỏ với mùi nước mắm đó. Cho nên khi lớn lên người ta vẫn nhớ cái mùi nước mắm thơ ấu. Đi đâu xa, người ta ngửi cái mùi nước mắm, là người ta nhớ ngay. Bây giờ những người Việt xa xứ, cũng cả 3 triệu người chứ đâu có ít, họ cũng từng ăn nước mắm, và đang ăn nước mắm… Chẳng lẽ bây giờ họ ngửi cái mùi nước mắm công nghiệp để mà nhớ quê… Nước mắm đủ mọi miền, đều có thể xuất ra nước ngoài, và đều có thể đáp ứng được cái nhu cầu ẩm thực, và cả cái nhu cầu tình cảm của những người Việt xa xứ!”. Chuyên gia hóa thực phẩm, thạc sĩ Vũ Thế Thành, chia sẻ kèm tuyên bố chắc nịch như vậy.

Nếu có một nền tảng giáo dục tử tế, chắc chắn các quan chức Hà Nội không vì ‘lợi ích nhóm’ để mà đưa ra những chính sách mặc kệ dân tình ta thán. Phải chăng đó là hệ lụy của một nền quản trị quốc gia thiếu sự cạnh tranh?; của một đất nước cả trăm triệu dân, nhưng vẫn quen thuộc câu cửa miệng: “Đảng và Nhà nước lo”?.

Trúc Mai