Về đây nghe em

Về đây mặc áo the, đi guốc mộc – Kể chuyện tình bằng lời ca dao – Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai – Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới – Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu (Về đây nghe em, thơ A Khuê, nhạc Trần Quang Lộc)

Về đây ta sẽ tới ngôi chùa cũ – Gióng tiếng chuông xưa, nghe tiếng tình tơ – Bến đò xa, cô lái vẫn chờ (Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, Phạm Duy)

Những ngày này, trong quán cà phê nằm bên bờ kênh Nhiêu Lộc của chợ Thị Nghè – Sài Gòn, tiếng nhạc dặt dìu của 2 tình khúc cùng chủ đề “Về” khiến tôi lan man nhớ lại thời tuổi trẻ. Và bỗng dưng tôi thèm nghe một tiếng chuông chùa. Tiếng chuông đó trong giai điệu rủ rê của nhạc sĩ Phạm Duy, tôi đã từng gặp trong những ngày tháng thơ ấu, tiếng chuông thanh thoát như gợi lên từ tĩnh lặng, đến đây từ hư vô, đem lại cho tâm hồn sự bình an, không phiền muộn.

Một buổi chiều nào đó, thời niên thiếu, tôi đã nghe tiếng chuông chùa vọng về theo dòng sông, qua những bờ lau lách, vẳng đến ngôi trường học bé nhỏ nằm lẩn khuất trong màu xanh của những tàng cây xanh cổ thụ. Ngày tôi trở về thăm lại quê hương thời thơ ấu, mỗi đêm gần sáng, trong ngôi từ đường, tôi thường thức giấc bởi những hồi chuông từ ngôi chùa nhỏ bên kia sông vọng lại. Tôi nằm nghe tiếng chuông dóng dả khoan thai như một lời an ủi, tỉ tê. Tiếng chuông như ru tôi rũ sạch mọi muộn phiền.

Tôi đã xa những tiếng chuông như thế trong nhiều năm, bỏ lại chốn thị xã quê mùa, con sông mượt mà và cả tuổi thơ không bao giờ có thể tìm lại.

Về đây nghe em, về đây nghe em – Về đây đứng khóc trên sông nước này – Chở lòng người trở về quê hương – Chở hồn người vào dòng suối mát – Chở thật thà vào lòng dối trá – Và nhặt hoa xin tạ chút ơn – Hoang phế khi đã gặp nhau (Về đây nghe em)

Ừ thì về. Mấy mươi năm chợt vèo như cơn gió thoảng. Trở về rồi lại trở về. Góc quê xưa vẫn bình bình lặng lặng. Làng chỉ toàn ông bà già và trẻ con. Đám thanh niên, cứ nhớn nhao một tí là rủ nhau đi cả. Lên ngược, về xuôi, sang tận những xứ Tây xứ Mỹ xa ngai ngái. Làng đã thế, chùa càng tịch liêu. Lâu thật lâu, một kẻ đi xa trở về, lên chùa thắp nén hương, trước là cúng Phật, sau là để nhớ về tổ tiên. Sống gửi thác về, các cụ dạy thế. Chợt mỉm cười, bởi rồi cũng đến một lúc, mình sẽ “về”…

Về miền quê ta thơm tho mùi lúa – Có cầu ao yên giấc ngủ trưa – Có đồi non êm ái cỏ hoa – Con sông nào đưa lối – Tiếng hát nào chơi vơi… (Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà)

Liệu miền quê ấy có còn tiếng chuông chùa cũ nào để người ta cùng gióng lại thanh âm ngày xa xăm đó, để cùng nghe nhạc điệu tình tơ khi mà lòng người đã trở về quê hương để được thi nhau kể chuyện tình không chỉ bằng lời ca dao, mà đó còn là tình thấm đượm duyên quê từ nồi ngô khoai, từ hạt lúa mới; và để nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu…

Ca Dao