Vĩnh Long – Chủ động hợp tác phát triển bền vững

NPV – Hôm nay (27/3/2018), Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2018 với chủ đề “Vĩnh Long- Chủ động hợp tác phát triển bền vững” chính thức khai mạc tại nhà hàng Hương Sen (TP Vĩnh Long).

Hội nghị có khoảng 750 đại biểu gồm các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các đại sứ quán, lãnh sự quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo UBND một số tỉnh- thành; các doanh nhân, nhà đầu tư trong nước và quốc tế; các cơ quan thông tấn, báo chí.

Đặc biệt, hội nghị vinh dự được đón tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ- Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu, doanh nghiệp tại hội nghị

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ về đầu tư (MOU) cho 32 dự án với số vốn đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng và số tiền các nhà tài trợ dành cho an sinh xã hội, lên tới 340 tỷ đồng.

Trao hợp đồng tài trợ tín dụng của các ngân hàng cho các doanh nghiệp với tổng số vốn gần 2.000 tỷ đồng

Hội nghị cũng tiến hành lễ ký kết hợp tác triển khai Đề án liên kết tiểu vùng duyên hải phía Đông trong việc liên kết tiêu thụ nông sản, xúc tiến đầu tư, chia sẻ quản lý tài nguyên môi trường, liên kết phát triển cơ sở hạ tầng, liên kết phát triển nguồn nhân lực giữa 4 tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.

Nằm giữa ĐBSCL, Vĩnh Long có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý với các tỉnh khu vực. Với khát vọng vươn lên, xây dựng diện mạo mới để kinh tế- xã hội tiếp tục phát triển, tỉnh Vĩnh Long đã nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ trong việc tạo lợi thế riêng thu hút đầu tư.

Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố ngày 22/3/2018, Vĩnh Long đứng ở vị trí thứ 6, trong nhóm “Tốt”.

Vĩnh Long còn được biết đến với nhiều ngành nghề truyền thống nổi tiếng như gạch ngói, gốm đỏ, đan đát, dệt chiếu… Riêng đất sét có trữ lượng khoảng 100 triệu m3, từ nguồn nguyên liệu này đã hình thành các làng nghề gốm và sản phẩm gốm mỹ nghệ được xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Châu Mỹ…

Vĩnh Long ở hạ lưu sông Mekong, giữa sông Tiền và sông Hậu và có sông Măng Thít nối liền. Ngoài ra, còn có 5 tuyến quốc lộ đi qua (1, 53, 54, 57, 80), các tuyến quốc lộ, đường tỉnh được đầu tư nâng cấp cùng với cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ kết hợp tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh- TP Cần Thơ trong tương lai, sẽ tạo điều kiện cho Vĩnh Long thông thương từ tỉnh đến các trung tâm kinh tế trong vùng, cả nước và quốc tế ngày càng thuận tiện.

Vĩnh Long còn được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Vĩnh Long còn có nhiều làng nghề nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời và được xem là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực ở khu vực.

Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long luôn coi trọng việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, tin cậy và luôn đặt doanh nghiệp vào vị trí quan trọng của sự phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.

Vĩnh Long còn được xem là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực ở ĐBSCL với 3 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 17 trung tâm dạy nghề và 2 trung tâm giới thiệu việc làm. Hàng năm, đào tạo hơn 36.613 lao động có trình độ nghề ngắn hạn, sơ cấp, cao đẳng nghề; 4.500- 5.000 lao động có trình độ trung học, cao đẳng, đại học.

Những lợi thế, tiềm năng mà Vĩnh Long sẵn có cùng sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh trong các lĩnh vực, nhất là môi trường đầu tư- kinh doanh, tin rằng Vĩnh Long sẽ là địa điểm lựa chọn đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nguyễn Khắc Dzũng