Yêu cầu tư hữu hóa đất đai

NPV – Ngày 29-5-2018, từ căn cứ vào quyền hiến định, một bản kiến nghị của những tổ chức dân lập và công dân đã yêu cầu Nhà nước Việt Nam sửa đổi Hiến pháp, theo đó, công nhận quyền tư hữu đất đai như bản Hiến pháp 1946: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm” (Điều thứ 12).

Toàn văn bản kiến nghị như sau:

TUYÊN BỐ VỀ QUYỀN TƯ HỮU ĐẤT ĐAI CỦA CÔNG DÂN QUA TRƯỜNG HỢP THỦ THIÊM

Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam quy định tại các điều:

Điều 53 Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Điều 54:

  1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.
  2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.
  3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
  4. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Những điều trên đã cướp đi quyền tư hữu đất đai đã có từ muôn thuở của các công dân, mà hiến pháp 1946 công nhận. Chính vì vậy đã tạo ra oan khiên khắp mọi vùng đất nước.

Do vậy, chúng tôi là những tổ chức dân lập và từng công dân:

TUYÊN BỐ

  1. Nhà nước Việt Nam đang do đảng Cộng sản VN cầm quyền phải thay đổi Hiến Pháp, chuyển từ “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân” thành “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản thuộc sở hữu cá nhân, sở hữu tổ chức, sở hữu cộng đồng quy ước và sở hữu toàn dân”.
  2. Mọi việc giải tỏa theo quy hoạch phải vì lợi ích phát triển của dân cư tại chỗ trước tiên, và họ phải là người được hưởng lợi nhiều nhất trong quy hoạch phát triển mới, chứ không thể để quan chức hay các công ty thuộc nhóm lợi ích hay ăn chia lợi nhuận với quan chức được hưởng lợi chính.
  3. Trường hợp điển hình tại bán đảo Thủ Thiêm, phải giữ nguyên địa giới cùng cơ sở Nhà thờ và Tu viện mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Nhất là phải tính toán đền bù lại cho hơn 1000 hộ gia đình đã bị giải tỏa và bị buộc phải nhận tiền đền bù với giá rẻ mạt.

ĐÂY LÀ TUYÊN BỐ CỘNG ĐỒNG CỦA CÁC CÔNG DÂN VIỆT NAM, YÊU CẦU ĐẢNG CỘNG SẢN CẦM QUYỀN PHẢI THỰC HIỆN.

Việt Nam, 29-05-2018

Các Tổ Chức

  1. Hội bảo vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo
  2. Hãng truyền thông Tin Mừng cho Người Nghèo
  3. Mạng lưới Công Giáo Online
  4. Trang Sài Gòn Báo

Các Cá Nhân

  1. Antôn Lê Ngọc Thanh, Linh mục DCCT Sài Gòn
  2. Paul Lê Xuân Lộc, Linh mục DCCT Sài Gòn
  3. Giuse Trương Hoàng Vũ, Linh mục DCCT Sài Gòn
  4. Hà Thị Vân, Hoạt động XHDS tại Hà Nội
  5. Nguyễn Văn Khanh, Hoạt động bác ái từ thiện ở Tây Nguyên
  6. Cao Minh Tâm, nhà báo, Sài Gòn
  7. Trần Văn Bang, Kỹ sư, Q. Bình Thạnh, Sài Gòn

……….

(tiếp tục cập nhật)

Có thể tham gia ký tên hưởng ứng tại https://www.facebook.com/thanhcssr