Giỗ Hai Bà Trưng

NPV – Hàng năm, cứ đến ngày 6 tháng 2 âm lịch, người Việt Nam cả trong và ngoài nước đều có lễ nhớ đến ngày Giỗ Hai Bà Trưng.

Ở miền Nam trước tháng 4-1975, ngày Giỗ Hai Bà Trưng còn được coi là Ngày Phụ Nữ Việt Nam.

Luận về Anh Hùng, Danh Tướng trong lịch sử oai hùng của dân tộc Việt, các Sử gia kim cổ đều hết lòng kính phục và ca ngợi công đức, tài danh của Hai Bà Trưng bằng những lời văn trang trọng nhất. Cũng bởi vì:

– Hai Bà Trưng là những người Việt đầu tiên trong lịch sử, đã đánh đuổi ngoại xâm, dành độc lập cho đất nước. Được biết, sau khi nhà Tây Hán thôn tính Nam Việt của Triệu Đà (111 tr. TL), nước ta (Văn Lang-Âu Lạc) bị chia ra làm 9 Quận, và hoàn toàn bị cai trị bởi người Tàu trong vòng 150 năm. (Thời kỳ Bắc thuộc).

Hai Bà Trưng đã nổi dậy đánh đuổi Thái Thú Tô Định và binh tướng nhà Đông Hán, chiếm 65 thành và thu phục về 4 Quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố.

Bàn về việc này, GS Phạm Cao Dương đã viết trong cuốn “Lịch sử dân Tộc Việt Nam”: “Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của người Việt chống lại chế độ đô hộ của người Tàu, giành độc lập. Cuộc khởi nghĩa này thường được coi như là biểu dương cho tinh thần bất khuất của dân tộc ta trước sự tràn lấn thường trực và mãnh liệt của Hán tộc cũng như vai trò và khả năng lãnh đạo của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam thời cổ”.

– Hai Bà Trưng là “đàn bà nước Nam”, là những vị nữ anh hùng, nữ danh tướng không phải chỉ hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam, mà cả trong lịch sử thế giới nữa!

Được biết, trong thời gian Hai Bà khởi nghĩa, hiên ngang đánh đuổi binh tướng Hán cai trị ở Giao Chỉ, thì phụ nữ Trung nguyên lúc đó chỉ là những “nhi nữ thường tình”, yếu đuối ở trong nhà, dưới ảnh hưởng của Nho giáo, (đã phát triển mạnh ở Trung quốc thời bấy giờ).

Nhận định về biến cố này, Sử thần đã bàn rằng: “Bà Trưng (Trưng Trắc) là một người con gái góa ở Giao Chỉ, không có một thước đất, một người dân, chỉ vì báo thù chồng mà khởi binh đánh một trận, cả 6 quận đều theo, định được 56 thành dễ như lấy đồ vật trong túi, làm cho bọn quan lại, Thú, Úy cai trị trong thời gian150 năm, phải bó tay không dám làm gì” (Việt Sử Tiêu Án).

Sử gia Nguyễn Nghiễm bàn rằng: “…lũ Thạch Đới (Thứ sử Giao Chỉ thời Tây Hán) và Chúc Lương (Thái Thú Giao Chỉ thời Tây Hán) tuyệt không có chính sự gì, mà còn tham lam, hà khắc, dân không chịu nổi. Như lũ Tô Định (Thái Thú Giao Chỉ thời Đông Hán) có thể nào dong cho chúng làm càn một ngày nào được nữa. Bà Trưng Vương nổi giận, khích lệ đồng bào, nghĩa binh đi đến đâu, gần xa đều hưởng ứng, 50 thành Ngũ Lĩnh đều khôi phục được hết, dân sự đang khổ sở đắng cay, lại được trông thấy mặt trời. (Hai) Bà thật quả là bậc anh hùng hơn người nhiều lắm…”.

Sử thần Lê Văn Hưu cũng nói: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi lên đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng Vương dễ như trở bàn tay…”.

Trong “Việt Nam Sử Lược”, Sử gia Trần Trọng Kim, rất am hiểu về Nho giáo, cũng đã tỏ lòng kính phục “người đàn bà nước Nam”: “Hai Bà họ Trưng làm vua được ba năm, nhưng lấy cái tài trí người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng là đủ để cái tiếng thơm về muôn đời”.

– Hai Bà Trưng là những thiên tài quân sự, “tốc chiến tốc thắng”. Tài trí của Hai Bà trong thiên hạ ít có ai sánh kịp (hàng ngàn năm sau này mới có thiên tài Quang Trung Nguyễn Huệ).

Sử gia Ngô Thời Sỹ trong “Việt Sử Tiêu Án” đã viết: “Bà Trắc rất hùng dũng, đi đến đâu như gió lướt đến đấy…”. Ông Trần Trọng Kim, một Nho gia cũng đã tỏ lời thán phục: “Lúc bấy giờ những quận Cửu Chân, Nhật Nam, và Hợp Phố cũng nổi lên theo về với hai bà Trưng Thị. Chẳng bao lâu quân Hai Bà hạ được 65 thành trì. Hai Bà bèn tự xưng làm vua, đóng đô ở Mê Linh, là chỗ quê nhà”.

– Hai Bà Trưng là những bậc Minh Quân, có tài thu phục nhân tâm, bất kể là nam hay nữ. Sách Thông Luận bàn rằng “Không gì khó thu phục được là nhân tâm, không gì khó nắm giữ được là quốc thế; lại càng khó nữa là một người đàn bà mà tập hợp được cả nhân dân trai tráng làm đồng chí.

Nước ta bị nội thuộc đã lâu, phục tòng pháp chế cho là quen, bị bọn tướng lại thống trị cho là việc thường ngày, huống đương lúc nhà Hán trung hưng, thu thập được nhiều tay trí dũng (để đàn áp dân các nước bị đô hộ), ai dám chống cùng oai hổ?

Trưng Vương (Trưng Trắc) là đàn bà goá, búi tóc đứng lên, những con trai trong nước đều cúi đầu chịu Bà chỉ huy, các quan to ở năm mươi thành cũng đều nín hơi, không dám kháng cự. Lưu Văn Thúc là người diệt được quần hùng, chống nổi đại địch, mà khi tập binh khiển tướng, còn phải ăn trưa ngủ muộn lo nghĩ cơ mưu, Mã Phục Ba làm cỏ nước Tiên Linh, phá tan đất Tham Lang, mà khi đóng quân ở Lãng Bạc, cũng phải lo xa nghĩ kỹ, náu hình ở bên hồ sâu. Tiếng tăm hùng dũng của (Hai) Bà chấn động cả Trung Hoa, cơ nghiệp mở mang của (Hai) Bà dọc ngang trong trời đất, thật là anh hùng.” (Việt Sử Tiêu Án).

Lễ Hai Bà Trưng tại Sài Gòn trước năm 1975

Ai anh hùng? Ai danh tướng? Dòng Lịch sử rất nghiêm khắc, cuồn cuộn trôi đi với những làn sóng bạc đầu dâng cao, không lý gì đến chuyện thắng bại thời chinh chiến, trong đó kẻ thắng cuộc chưa hẳn là anh hùng, danh tướng, và người thua cuộc nhiều khi vẫn được hậu thế tôn thờ như các vĩ nhân, anh hùng cái thế.

Hôm nay nhân ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng, con cháu Hai Bà lại nức lòng hướng về Tổ Tiên oai hùng, để cùng nhau hãnh diện và tự nhủ: Cuộc thắng bại, lẽ thường trong lịch sử/ Luận anh hùng, ai dễ đã hơn ai?

Nam Phương Việt