Trạm thu giá có khác trạm thu phí?

NPV – Cùng ý nghĩa là qua trạm phải móc túi ra mua vé, thế nhưng “Trạm thu giá” khác như thế nào với “Trạm thu phí”?

Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT do Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa ký ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2016, về “quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý”. Theo cách hiểu của Bộ GTVT, nhà đầu tư BOT là nhà kinh doanh đường bộ. Do đó phương tiện sử dụng dịch vụ này buộc phải trả một khoản tiền bắt buộc cho nhà kinh doanh gọi là “thu giá”.

Thông tư của Bộ GTVT không định nghĩa pháp lý về cụm từ “thu giá”, mà chỉ định nghĩa chung về một bất động sản được xây dựng nằm trên tuyến đường bộ đầu tư BOT: “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi tắt là trạm) là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông” (Điều 2.3, Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT).

Do không có định nghĩa pháp lý về “thu giá”, nên với nhà đầu tư BOT đường bộ, nếu như họ không rà soát lại các nội dung hợp đồng đã ký kết với cơ quan hữu trách, mai này có xảy ra những tranh chấp thì nhiều khả năng có một số giao dịch sẽ được coi là vô hiệu, vì giờ đây họ còn chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại 2005, và Luật Giá 2012.

Nếu đã là khoản tiền người dân phải trả cho cái gọi là “giá dịch vụ sử dụng đường bộ”, thì người dân khi sử dụng con đường được kinh doanh BOT ấy có quyền mặc cả và đòi bồi thường, nếu như trên con đường này có chất lượng không đúng như cam kết ban đầu.

Đơn cử, “trạm thu giá BOT Cai Lậy” mà nhà đầu tư đặt hiện nay là không đúng với con đường trong giao kèo BOT. Vậy người dân đi qua đây đương nhiên là không phải nộp “giá” gì cả. Tương tự ở các “trạm thu giá BOT” nhầm chỗ khác như ở Biên Hòa, ở An Giang và một đống “trạm thu giá” kiểu râu ông này cắm cằm bà kia ở miền Bắc, miền Trung, lẽ ra phải dỡ bỏ trạm từ ngày 1-1-2017, chứ không phải cứ cố đấm ăn xôi dằng dai đến tận lúc này.

Nam Phương Việt