Bộ Thông tin và Truyền thông phản hồi về kết luận thanh tra vụ MobiFone – AVG

NPVRộng đường dư luận, xin đăng tải toàn bộ nội dung phản hồi của Bộ Thông tin và Truyền thông về những cáo buộc sai phạm trong vụ chuyển nhượng cổ phần giữa AVG với MobiFone.

Ngày 14/03/2018, trên cổng thông tin điện tử Thanh tra chính phủ và các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải công khai Thông báo số 356/TB-TTCP về kết luận thanh tra toàn diện dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG).

Về việc này, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến như sau:

  1. Ngày 22/07/2016, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư v/v tiến hành thanh tra toàn diện thương vụ MobiFone mua cổ phần tại AVG. Đây là chỉ đạo đúng đắn và rất cần thiết để làm rõ đúng sai trong việc mua bán giữa hai bên.

Kể từ thời điểm tháng 08/2016 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ để giải trình, cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ việc thanh tra.

  1. Gần đây nhất, Ban bí thư TW Đảng đã có ý kiến trong việc hoàn thiện kết luận thanh tra, nêu rõ: Thanh tra Chính phủ khi thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo khách quan, chính xác, đúng vi phạm, đúng pháp luật và chịu trách nhiệm về kết luận này. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã chưa thực hiện đúng yêu cầu của Ban bí thư TW Đảng. Về việc này, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày chi tiết trong bản đính kèm văn bản này.
  2. Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thức và thực hiện phê duyệt Dự án theo quy định tại Điều 28 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13.

Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì xây dựng và hướng dẫn Luật số 69/2014/QH13), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì xây dựng và hướng dẫn Luật Đầu tư số 67/2014/QH13) đều thống nhất và hướng dẫn Bộ Thông tin và Truyền thông và trả lời Thanh tra Chính phủ về trình tự thủ tục phê duyệt Dự án theo quy định tại Điều 28 Luật số 69/2014/QH13, không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 31 Luật số 67/2014/QH13. Tuy nhiên, Thông báo Kết luận thanh tra nhận định Dự án phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 31 Luật số 67/2014/QH13 để kết luận các Bộ có sai phạm.

Mặc dù việc hiểu và áp dụng luật của Thanh tra Chính phủ còn có nhiều vấn đề chưa đúng (khác biệt cơ bản với hai Bộ có chuyên môn cao nhất trong lĩnh vực đầu tư và quản lý tài chính doanh nghiệp) nhưng Thanh tra Chính phủ không xin ý kiến hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội/Quốc Hội – cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải thích pháp luật – mà tự ý diễn giải pháp luật theo cách của mình.

Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có Công văn xin ý kiến Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc áp dụng Luật đối với Dự án. Trong trường hợp có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền yêu cầu Thanh tra Chính phủ thu hồi và sửa lại Kết luận thanh tra hoặc sẽ khiếu nại về kết luận thanh tra theo quy định tại Điều 57 Luật Thanh tra.

  1. Cho đến nay chưa có cơ sở để xác định giá MobiFone mua 95% cổ phần AVG là cao hay thấp và theo Bộ Thông tin và Truyền thông được biết, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ Tài chính thẩm định giá mua và giám định tài chính về giá mua cổ phần AVG. Hội đồng thẩm định giá AVG của Bộ Tài chính đã thực hiện thẩm định giá và kết quả sơ bộ thẩm định giá AVG tại thời điểm 31/3/2016 là cao hơn so với giá MobiFone đã mua AVG.
  2. Ngày 12/03/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chứng kiến cuộc họp giữa Tổng công ty MobiFone và Nhóm cổ đông chuyển nhượng AVG để thống nhất việc huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa hai bên. Hai doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần nghiêm túc, khẩn trương nhằm đảm bảo tối đa lợi ích của nhà nước. Theo đó, MobiFone sẽ nhận được số tiền lớn hơn số tiền MobiFone đã thanh toán cho Nhóm cổ đông.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ tính riêng ngày 13/03/2018 đã có tới 85% trong tổng số hơn 5 triệu lượt người truy cập và có bình luận ủng hộ việc làm đó. Cùng ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi báo cáo đến Thanh tra Chính phủ để cập nhật nội dung về diễn biến mới này. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã không đưa nội dung này vào kết luận mà ra ngay Thông báo Kết luận thanh tra.

Trên cơ sở Thông báo Kết luận thanh tra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu và có báo cáo chi tiết gửi tới các cấp có thẩm quyền./.

CÁC SAI PHẠM, VI PHẠM TRONG THÔNG BÁO

KẾT LUẬN THANH TRA DỰ ÁN MOBIFONE MUA 95% CỔ PHẦN AVG

(Tài liệu gửi kèm Thông tin báo chí v/v Thông báo Kết luận thanh tra Dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG của Bộ Thông tin và Truyền thông)

Ngày 14/3/2018, trên cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ và các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải công khai Thông báo số 356/TB-TTCP ngày 14/3/2018 về Kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (Thông báo Kết luận thanh tra). Trên cơ sở nghiên cứu Thông báo Kết luận thanh tra, đối chiếu với các quy định pháp luật và thực tế sự việc, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến về một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Thông báo Kết luận thanh tra như sau:

  1. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ SỞ HỮU TRONG PHÊ DUYỆT DỰ ÁN
  2. Nhận định tại Thông báo Kết luận thanh tra

Tại Mục I (trang 1, 2 Thông báo Kết luận thanh tra), bên cạnh việc tóm tắt nội dung thanh tra, Thông báo Kết luận thanh tra còn đưa ra nhận định về việc áp dụng quy định pháp luật đối với Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Nhận định này là cơ sở căn bản để đánh giá việc thực hiện phê duyệt Dự án của Bộ Thông tin và Truyền thông có đúng quy định pháp luật hay không.

Cụ thể, tại trang 2 Mục I. Thông báo Kết luận thanh tra nhận định như sau :

Dự án này có tổng mức đầu tư là 8.900 tỷ đồng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 thì Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; theo quy định tại Khoản 4 Điều 28 Luật số 69/2014/QH13 thì Bộ TTTT là Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có thẩm quyền xem xét, phê duyệt dự án đầu tư.

  1. Ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông:

Khoản 1 Điều 28 Luật 69 quy định “việc sử dụng vốn, tài sản, quyền sử dụng đất của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan;…”

Điểm b Khoản 2 Điều 28 Luật 69 quy định mua cổ phần tại công ty cổ phần là một hình thức đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Do đó, Dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG là hình thức đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và phải tuân thủ theo các quy định tại Luật 69 và pháp luật có liên quan. Cụ thể:

Theo quy định tại Luật 69:

Khoản 4 Điều 28 Luật 69 quy định Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty quyết định từng Dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu, nhưng không quá mức vốn của Dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công; Trường hợp dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp có giá trị lớn hơn mức quy định này thì Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt.

Dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG là Dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp với giá trị lớn hơn mức vốn của Dự án nhóm B, nên thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ TTTT.

Điểm c Khoản 2 Điều 44 Luật 69 quy định: “Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt về các nội dung sau đây:

  1. c) Huy động vốn, đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp theo quy định tại các điều 23, 24, 28 và 29 của Luật này;”

Như vậy, căn cứ theo Luật 69, trình tự thực hiện Dự án như sau:

(1) Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo về Dự án đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp gửi tới cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước (Điểm b Khoản 4 Điều 28 Luật 69)

(2) Cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt Dự án đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp (Điểm b, Khoản 4, Điều 28 Luật 69)

(3) Hội đồng thành viên Quyết định đầu tư Dự án (Điểm b, Khoản 4 Điều 28, Điểm c Khoản 2 Điều 44 Luật 69).

Luật 69 không quy định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án mua cổ phần của tổ chức kinh tế.

Theo quy định tại Luật Đầu tư (Luật 67):

Khoản 5 Điều 3 Luật 67 quy định “đầu tư kinh doanh” là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua các hình thức sau: (1) Thành lập tổ chức kinh tế; (2) Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; (3) Đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện Dự án đầu tư. Theo quy định trên, việc Nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần của tổ chức kinh tế (2) là hình thức đầu tư khác với thực hiện Dự án đầu tư (3).

Khoản 2 Điều 3 Luật 67 quy định Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định”. Trong khi đó, đầu tư mua cổ phần của tổ chức kinh tế thì không có xác định khoảng thời gian đầu tư (thi công), không có địa bàn cụ thể. Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì đầu tư mua cổ phần không phải là Dự án đầu tư theo quy định của Luật 67.

Đối với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư trong nước theo hình thức góp vốn, mua cổ phần của tổ chức kinh tế, Luật 67 chỉ quy định đây là quyền của doanh nghiệp (Điều 24 Luật 67), không quy định trình tự, thủ tục đầu tư.

Về thủ tục trình quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 31 và Điều 34 Luật 67. Quy định này chỉ áp dụng đối với Dự án đầu tư, không áp dụng đối với việc đầu tư mua cổ phần của tổ chức kinh tế. Đối với Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 31, Điều 34 Luật 67 thì trách nhiệm thực hiện thuộc về nhà đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Luật 67 không quy định về trách nhiệm thực hiện của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Do đó, Luật 67 chỉ quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với hình thức “Dự án đầu tư” mà không quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức “góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp” của tổ chức kinh tế.

Như vậy, Dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG không phải thực hiện trình tự, thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 31, 34 Luật 67. Và giả sử trong trường hợp phải thực hiện, cũng không phải thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tổng hợp lại, liên quan đến trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với Dự án, trình tự thủ tục thực hiện như sau:

(1) Hội đồng thành viên MobiFone báo cáo về Dự án đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp gửi Bộ TTTT (Điểm b Khoản 4 Điều 28 Luật 69)

(2) Bộ TTTT xem xét, phêt duyệt Dự án đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp (Điểm b, Khoản 4, Điều 28 Luật 69)

(3) Hội đồng thành viên MobiFone Quyết định đầu tư dự án (Điểm b, Khoản 4 Điều 28, Điểm c Khoản 2 Điều 44 Luật 69).

Pháp luật không quy định Bộ Thông tin và Truyền thông phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hay chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án.

Mặc dù vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn thận trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho MobiFone đầu tư mua cổ phần AVG (Công văn số 209/BTTTT-QLDN).

Trong quá trình thực hiện Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì xây dựng và hướng dẫn Luật 67), Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì xây dựng và hướng dẫn Luật 69) đều thống nhất và hướng dẫn Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Dự án theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu quy định tại Điều 28 Luật 69.

Tại buổi họp với Thanh tra Chính phủ ngày 22/12/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đều thống nhất, bảo lưu quan điểm đó là trình tự thủ tục của Dự án thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật 69, không phải thực hiện trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 31, Điều 34 của Luật 67. Các Bộ cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ trong trường hợp không thống nhất với ý kiến của các Bộ thì thực hiện xin ý kiến Bộ Tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo Kết luận Thanh tra là khách quan, đúng quy định pháp luật.

Tại Công văn số 26-BC/BKTTW ngày 16/6/2016, Ban Kinh tế Trung ương đã có ý kiến “Như vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại MobiFone đã phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone theo đúng quy định pháp luật hiện hành – Điều 28 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư theo hình thức mua cổ phần của tổ chức kinh tế khác và đều thực hiện theo Luật 69, ví dụ như Viettel mua 70% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xi măng Cẩm phả, PVN mua 3 doanh nghiệp nước ngoài… hay quy trình đầu tư mua cổ phần, phần vốn góp của Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đều thực hiện theo Luật 69 và không thực hiện xin quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo bộ phận pháp chế nghiên cứu rà soát và tham khảo ý kiến Luật sư xác định rằng Dự án thực hiện theo quy định của Luật 69 là đúng quy định pháp luật và quá trình thực hiện của Bộ Thông tin và Truyền thông là thận trọng và chặt chẽ. Dự án không phải thực hiện trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 31, Điều 34 Luật 67.

  1. Kết luận

Đối chiếu quy định pháp luật liên quan và thực tế thực hiện cho thấy Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện phê duyệt Dự án theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu MobiFone, theo đúng quy định pháp luật.

Thông báo Kết luận thanh tra đã không áp dụng đúng quy định pháp luật (Luật 67, Luật 69) đối với Dự án. Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị, trong trường hợp Thanh tra Chính phủ không thống nhất với ý kiến của các Bộ chức năng, đề nghị xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc áp dụng Luật đối với Dự án, để đảm bảo Kết luận thanh tra là đúng quy định pháp luật.

  1. VỀ THIỆT HẠI CỦA DỰ ÁN

Cho đến nay, chưa có bất cứ căn cứ nào cho thấy Dự án gây thiệt hại về kinh tế đối với MobiFone và với Nhà nước. Tuy nhiên, tại trang 4, Thông báo Kết luận thanh tra đã đưa ra các nhận định không có căn cứ pháp lý, sai về chuyên môn (nguyên tắc kế toán tài chính, nguyên tắc về thẩm định giá trị doanh nghiệp), sai về thẩm quyền để xác định Dự án gây thiệt hại nghiêm trọng. Cụ thể như sau:

  1. Xác định giá trị AVG là giá trị vốn chủ sở hữu của AVG

1.1. Thông báo Kết luận thanh tra nhận định:

Sau khi loại trừ giá trị tài sản vô hình 13.448 tỷ đồng và loại trừ nợ phải trả 1.134 tỷ đồng thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31/3/2015 chỉ là 1.983 tỷ đồng (chưa tính đến việc định giá lại giá trị thực của các khoản AVG đã đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp); so với giá mua 95% cổ phần AVG là 8.889,815 tỷ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng.

1.2. Ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông:

Thanh tra là việc làm đòi hỏi tính chính xác, cụ thể, có căn cứ rõ ràng. Do đó, việc sử dụng khái niệm “nguy cơ”, một khái niệm mang tính chất phỏng đoán, diễn tả một sự việc chưa chắc đã xảy ra là không phù hợp.

Ví dụ như, cán bộ làm công tác thanh tra là có “nguy cơ” xảy ra tiêu cực, nhưng không có nghĩa, thanh tra là tiêu cực.

Bất kỳ một hoạt động đầu tư kinh doanh nào, bên cạnh cơ hội thì đều có tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ. Do đó, việc sử dụng khái niệm “nguy cơ” trong hoàn cảnh này là không phù hợp.

Bên cạnh đó, mặc dù sử dụng khái niệm “nguy cơ”, nhưng Thông báo Kết luận thanh tra lại đưa ra nhận định với số liệu được tính toán cụ thể. Như vậy có thể hiểu rằng đây không phải là việc phỏng đoán, mà Thông báo Kết luận thanh tra đang đưa ra một nhận định cụ thể và nhận định này là không đúng, cụ thể:

Theo nội dung trích dẫn nêu trên, Thông báo Kết luận thanh tra đã xác định thiệt hại vốn Nhà nước tại MobiFone bằng cách sử dụng giá mua 95% cổ phần AVG trừ đi 95% giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31/3/2015 (8.889,815 – 95% x 1.983 = 7.005,97 tỷ đồng). Như vậy đồng nghĩa với việc Thông báo Kết luận thanh tra đã định giá AVG bằng với giá trị vốn chủ sở hữu của AVG ghi trên sổ sách kế toán.

Căn cứ Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 – Tiêu chuẩn thẩm định giá Doanh nghiệp, không có phương pháp nào xác định giá trị doanh nghiệp bằng chính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ghi trên sổ sách kế toán.

Theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng như theo thông lệ quốc tế, thì giá trị doanh nghiệp phải được xác định theo phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu,…; không thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp bằng đúng giá trị vốn chủ sở hữu ghi trên sổ sách kế toán.

Nếu sử dụng phương pháp tại Thông báo Kết luận thanh tra để xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì chắc chắn sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với vốn, tài sản của nhà nước. Ví dụ, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) có giá trị vốn chủ sở hữu trên sổ sách kế toán là 440 tỷ đồng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là 7.900 tỷ, cao hơn 17 lần so với vốn chủ sở hữu ghi trên sổ sách kế toán; hoặc như trường hợp Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài gòn (Sabeco) mức giá bán 53,6% cổ phần là 320.000 đồng/cổ phần, đồng nghĩa với việc giá trị doanh nghiệp cao hơn 32 lần so với giá trị ghi trên sổ sách kế toán.

Căn cứ Điều 28 Luật Giá năm 2012, chỉ các tổ chức được Bộ Tài chính cấp phép thẩm định giá mới được hoạt động thẩm định giá, do đó việc Thanh tra Chính phủ tự xác định giá trị AVG là không đúng thẩm quyền.

Bộ Thông tin và Truyền thông được biết, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ Tài chính thẩm định giá mua và giám định tài chính về giá mua cổ phần AVG. Hội đồng thẩm định giá AVG của Bộ Tài chính đã thực hiện thẩm định giá và kết quả sơ bộ thẩm định giá AVG tại thời điểm 31/3/2016 là cao hơn so với giá MobiFone đã mua AVG.

Ngoài ra, nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG (bên bán) đã có đề xuất và Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 158/BTTTT-QLDN ngày 22/5/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xin bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của AVG. Theo đó Nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG đề xuất bán 5% cổ phần AVG còn lại cho đối tác khác với giá 32.000 đồng/cổ phần, cao hơn khoảng 25% so với giá đã bán cho MobiFone. Mức giá này nếu tính trên 95% cổ phần mà MobiFone đang nắm giữ sẽ là 11.020 tỷ, cao hơn 2.130 tỷ so với mức 8.890 tỷ mà MobiFone đã bỏ ra để mua AVG.

Từ trên cho thấy, hiện nay chưa có cơ sở nào để nói rằng giá mua AVG là cao hay thấp và do đó không có cơ sở để khẳng định việc MobiFone mua 95% cổ phần AVG là thiệt hại vốn của Nhà nước tại MobiFone. Các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp chỉ mang tính chất lý thuyết, giá trị thực tế của doanh nghiệp phải do thị trường quyết định và hiện nay cổ phần AVG đang được doanh nghiệp khác đề xuất mua với giá cao hơn so với giá MobiFone đã mua.

Việc xác định giá trị AVG tại Thông báo Kết luận thanh tra là không đúng thẩm quyền, sai quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá, sai kiến thức chuyên môn về tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp.

  1. Xác định nợ phải trả của AVG là thiệt hại khi mua AVG

2.1. Thông báo Kết luận thanh tra nhận định:

+ Thiệt hại 1.134 tỷ đồng khi mua nợ phải trả của AVG

2.2. Ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông:

Bất cứ doanh nghiệp nào đang hoạt động đều phát sinh các khoản phải thu và các khoản nợ phải trả. Trong đó, nợ phải trả bao gồm: nợ phải trả người bán, người mua trả tiền trước, các khoản vay,…

Căn cứ Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính Ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 – Tiêu chuẩn thẩm định giá Doanh nghiệp, khi xác định giá trị doanh nghiệp phải tính toán đến toàn bộ tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả giá trị các khoản nợ.

Pháp luật về tài chính doanh nghiệp không quy định khi mua cổ phần của doanh nghiệp thì phải loại trừ (không thừa nhận) các khoản nợ phải trả.

Căn cứ Điều 10 Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 09/12/2013 của Chính phủ về quản lý nợ của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp nhà nước được phép có nợ phải trả bằng 03 lần vốn chủ sở hữu. Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng được phép huy động đến khoảng 10 lần vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Nghĩa là nợ phải trả có thể lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu và có thể lớn hơn cả giá trị của doanh nghiệp. Các ngân hàng như Vietcombank, Viettinbank,… đều có nợ phải trả lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu. Do đó, nếu theo cách hiểu của Thông báo Kết luận thanh tra là phải loại trừ các khoản nợ phải trả thì giá mua cổ phần các ngân hàng này là dưới 0 đồng.

Do đó, không thể nào cho rằng khi mua doanh nghiệp lại chỉ thừa nhận các khoản phải thu (quyền lợi) và không thừa nhận các khoản phải trả (nghĩa vụ) và xác định đó là thiệt hại.

Từ trên cho thấy, Thông báo Kết luận thanh tra là không đúng với quy định về xác định giá trị doanh nghiệp; không đúng với chuyên môn về tài chính doanh nghiệp, mang tính áp đặt, suy diễn theo hướng có lỗi.

  1. Xác định giá trị của 4 kênh tần số của AVG là thiệt hại với ngân sách nhà nước

3.1. Thông báo Kết luận thanh tra nhận định:

+ 04 kênh tần số mà AVG được Bộ TTTT cấp phép sử dụng để thực hiện thí điểm “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số và phát triển hoạt động truyền hình giải trí kỹ thuật số trả tiền” do AVG hợp tác với Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Bình Dương (được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm). Theo quy định Luật Tần số vô tuyến điện, 04 kênh tần số này là tài nguyên Quốc gia có giá trị thương mại cao; khi giao cho đơn vị sử dụng, khai thác phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thu tiền nộp NSNN nhưng Bộ TTTT không thu hồi để tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số, mặt khác cũng chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng Bộ TTTT đã cho Mobifone được sử dụng là vi phạm quy định Luật Tần số vô tuyến điện. Do không đấu giá, chưa có giám định giá nên không xác định được thiệt hại (theo thẩm định giá của AMAX 04 kênh tần số có giá trị là 112,32 triệu USD tương đương 2.429,9 tỷ đồng).

3.2. Ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông:

– Về thực tế sử dụng 04 kênh tần số hiện nay:

04 kênh tần số hiện nay của AVG được cấp phép từ năm 2011 (trước khi có Dự án). Việc MobiFone mua 95% cổ phần AVG không làm thay đổi tư cách pháp nhân của AVG. Hiện nay, MobiFone và AVG đang sử dụng các tần số của mình theo đúng các giấy phép đã được cấp và đúng quy định pháp luật. Bộ Thông tin và Truyền thông không thực hiện chuyển đổi, điều chỉnh bất cứ giấy phép tần số nào của MobiFone AVG.

– Về pháp lý:

Quyết định 236/QĐ-BTTTT là quyết định phê duyệt Dự án của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do mình quản lý theo quy định pháp luật về quản lý doanh nghiệp nhà nước. Thông báo Kết luận thanh tra đang nhầm lẫn giữa Quyết định này với Quyết định cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông và tần số vô tuyến điện. Việc cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đã được pháp luật về tần số vô tuyến điện quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu quyết định,.. do đó hai nội dung công việc này là độc lập với nhau, không thể thay thế được cho nhau.

Ví dụ như Điều lệ của doanh nghiệp là do cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt, trong đó quy định các ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp được làm. Nhưng để kinh doanh các ngành nghề này, doanh nghiệp sẽ phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì sẽ phải xin giấy phép của Bộ quản lý ngành.

Do đó, Điều 3 Quyết định 236/QĐ-BTTTT là ý kiến phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu về định hướng kinh doanh cho MobiFone. Trong quá trình thực hiện, nếu MobiFone cần phải xin giấy phép về tần số, thì sẽ phải thực hiện các trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện MobiFone vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa có sản phẩm. Vì vậy, nội dung Điều 3 Quyết định 236/QĐ-BTTTT không vi phạm quy định pháp luật về viễn thông và tần số vô tuyến điện.

– Như báo cáo nêu trên, hiện nay 04 kênh tần số đã cấp cho AVG vẫn đang được sử dụng theo đúng các giấy phép đã cấp, vì vậy không ảnh hưởng đến việc thu nộp vào ngân sách nhà nước như ý kiến của Thông báo Kết luận thanh tra. Căn cứ Quyết định số 1761/QĐ-BTTTT ngày 17/10/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi kênh tần số truyền hình mặt đất UHF (470 – 806) MHz giai đoạn 2018 – 2020, các kênh tần số của AVG sẽ được chuyển đổi sang kênh tần số khác trước 31/12/2018 để giải phóng băng tần cho cung cấp dịch vụ viễn thông di động. Khi đó sẽ tổ chức cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo đúng quy định pháp luật và kinh phí thu được sẽ nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định pháp luật.

– Theo báo cáo của MobiFone, giá trị 04 kênh tần số đã cấp cho AVG không được tính tới khi xác định giá trị doanh nghiệp AVG. Tuy nhiên, nếu theo như cách lập luận của Thông báo Kết luận thanh tra, thì việc MobiFone không phải bỏ tiền ra mua 04 kênh tần số này là có lợi đối với MobiFone. Và theo định giá của AMAX thì lợi ích đem lại là 2.429,9 tỷ đồng.

  1. Kết luận:

Thông báo Kết luận thanh tra đã đưa ra các nhận định không có căn cứ pháp lý, không đúng với nguyên tắc kế toán tài chính, không đúng với nguyên tắc thẩm định giá trị doanh nghiệp, không đúng với thẩm quyền để xác định Dự án gây thiệt hại nghiêm trọng.

Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị loại bỏ các nội dung không đúng này. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị lấy ý kiến Bộ Tài chính (cơ quan quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và thẩm định giá trị doanh nghiệp) về các nhận định này.

III. VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ THẨM ĐỊNH

Tại trang 6 và 7, Thông báo Kết luận thanh tra đã đưa ra 04 nhận định (gạch đầu dòng) không đúng về trách nhiệm của Tổ thẩm định, cụ thể như sau:

  1. Về việc xem xét, phân tích hạn chế, giới hạn tính pháp lý, mức độ tin cậy của các Chứng thư thẩm định giá, Báo cáo thẩm định giá, Báo cáo tư vấn

1.1 Thông báo Kết luận thanh tra nhận định:

– Tổ thẩm định đã không xem xét, phân tích các thông tin về hạn chế, giới hạn, tính pháp lý, mức độ tin cậy của các Chứng thư thẩm định giá, Báo cáo thẩm định giá và Báo cáo tư vấn mà Mobifone đã sử dụng để đàm phán giá mua 95% cổ phần AVG, thể hiện thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định Dự án đầu tư.

1.2. Ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông:

– Dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG là Dự án do MobiFone đề xuất, lập dự án và trình Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, phê duyệt. Theo quy định của pháp luật, MobiFone chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các thông tin mà mình cung cấp, trong đó bao gồm các Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo tư vấn mà MobiFone đã sử dụng để đàm phán giá mua cổ phần.

– Căn cứ Điều 19, Điều 28, Điều 42 Luật Giá năm 2012, giá mua cổ phần của doanh nghiệp không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Chỉ các doanh nghiệp thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép mới được phép thẩm định giá. Doanh nghiệp thẩm định giá phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá.

– Căn cứ Nghị định 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông và các quy định tại Luật Giá nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông không có chức năng và chuyên môn để thẩm định giá trị doanh nghiệp cũng như không có chức năng và chuyên môn để thẩm định, đánh giá lại mức độ tin cậy của các Chứng thư thẩm định giá mà các doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp. Nội dung này Tổ thẩm định và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Báo cáo đánh giá Dự án gửi kèm Công văn 209/BTTTT-QLDN, cụ thể Bộ TTTT không có điều kiện và chức năng để đánh giá về việc định giá và giá mua AVG”.

Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thận trọng, có Công văn số 230/BTTTT-QLDN ngày 16/12/2015 gửi Bộ Tài chính đề nghị cho ý kiến về giá mua. Bộ Tài chính đã có Công văn số 1095/BTC-TCDN ngày 18/12/2015 trả lời Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, các doanh nghiệp thẩm định giá trong báo cáo của MobiFone là các doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động thẩm định giá; theo quy định của Luật Giá các doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm về kết quả Chứng thư thẩm định giá và kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản.

– Pháp luật không quy định về việc thành lập, nhiệm vụ, trách nhiệm của Tổ thẩm định, cụ thể:

Cả Luật 67 và Luật 69 đều không quy định phải thành lập Tổ thẩm định Dự án. Tuy nhiên đây là Dự án lớn, có tính chất phức tạp và là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nên tập thể Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp xem xét Dự án và thống nhất thành lập Tổ thẩm định Dự án để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định.

Cả Luật 67 và Luật 69 đều không hướng dẫn thực hiện việc thẩm định phê duyệt Dự án của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Điểm b Khoản 4 Điều 28 Luật 69 quy định Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, phê duyệt (không phải thẩm định); Luật 69 và các văn bản hướng dẫn thực hiện cũng không quy định về nội dung cách thức thực hiện việc xem xét, phê duyệt Dự án.

Căn cứ các quy định nêu trên, không có quy định pháp luật nào hướng dẫn cụ thể nào về việc thành lập, nhiệm vụ, trách nhiệm của Tổ thẩm định.

Tổ thẩm định được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập để thực hiện các nhiệm vụ do Bộ trưởng giao là cho ý kiến về Dự án trên cơ sở kinh nghiệm và chuyên môn của mình (không giao nhiệm vụ thẩm định giá). Trên thực tế, Tổ thẩm định không có thành viên nào có đủ điều kiện thẩm định giá (không có chuyên môn, không có chứng chỉ, giấy phép thẩm định giá). Do đó, không có nhiệm vụ và chuyên môn xem xét mức độ tin cậy của các Chứng thư thẩm định giá.

1.3. Kết luận:

Thông báo Kết luận thanh tra cho rằng Tổ thẩm định phải xem xét, phân tích thông tin về hạn chế, giới hạn tính pháp lý, mức độ tin cậy của các Chứng thư thẩm định giá, Báo cáo thẩm định giá, Báo cáo Tư vấn là không có cơ sở pháp lý.

Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị loại bỏ nội dung này khỏi Thông báo Kết luận thanh tra.

  1. Về việc sử dụng thông tin về mức giá định bán cho đối tác nước ngoài do AVG cung cấp và việc nhận xét Dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế

2.1. Thông báo Kết luận thanh tra nhận định:

– Sử dụng thông tin do AVG báo cáo với Bộ TTTT về mức giá định bán cho đối tác nước ngoài là 700 triệu USD (tuy nhiên, Bộ TTTT không có tài liệu chứng minh tính chính xác, trung thực) nhưng vẫn dùng để so sánh, nhận xét về giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng (cho rằng Phương án giá này thấp hơn khoảng 7.000 tỷ đồng so với mức giá thấp nhất do Tổ chức thẩm định giá đưa ra và thấp hơn khoảng 300 triệu USD so với mức giá AVG báo cáo định bán cho đối tác nước ngoài) là không có cơ sở; mặt khác, hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ, chưa chắc chắn nhưng đã đánh giá, nhận xét Dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế.

2.2. Ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông:

– Về việc so sánh giá mua cổ phần AVG:

Tại trang 11 Báo cáo đánh giá Dự án gửi kèm Công văn số 209/BTTTT-QLDN ngày 28/10/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông có nêu “Phương án giá này, thấp hơn khoảng 7.000 tỷ đồng so với mức giá thấp nhất do Tổ chức thẩm định giá đưa ra và thấp hơn khoảng 300 triệu USD so với mức giá AVG báo cáo định bán cho đối tác nước ngoài (700 triệu USD)” (Đoạn văn bản này được trích dẫn tại Thông báo Kết luận thanh tra)

Ngay tiếp theo sau đoạn văn bản được Thanh tra Chính phủ trích dẫn trên, Bộ Thông tin và Truyền thông có nêu “Theo quy định hiện hành, để thực hiện mua cổ phần của AVG thì MobiFone cần phải thuê tổ chức thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động để định giá AVG. Trên cơ sở đó, MobiFone có thể tiến hành đàm phán và mua với giá không cao hơn giá do tổ chức thẩm định giá đưa ra. Bộ TTTT không có điều kiện và chức năng để đánh giá về việc định giá và giá mua AVG” (Đoạn văn bản này không được trích dẫn tại Thông báo Kết luận thanh tra).

Từ trên cho thấy, đối với đoạn văn bản mà Thông báo Kết luận thanh tra trích dẫn:

+ Nội dung chính là nhằm so sánh việc thực hiện của MobiFone với quy định của Luật giá (về giá qua đàm phán và giá do tổ chức thẩm định giá đưa ra) và điều này là phù hợp với nội dung của Báo cáo đánh giá Dự án.

+ Việc so sánh với mức giá do tổ chức thẩm định giá đưa ra là có cơ sở dựa trên Báo cáo và các tài liệu do MobiFone cung cấp. Cụ thể, giá thấp nhất do các tổ chức thẩm định giá đưa ra là 16.565 tỷ đồng (AMAX); giá MobiFone đề xuất mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng, chênh lệch khoảng 7.000 tỷ đồng.

+ Nội dung so sánh với giá do AVG dự kiến bán cho đối tác nước ngoài là nhằm làm rõ hơn rằng giá MobiFone đưa ra là thấp hơn so với giá AVG dự kiến trước đó (trong trường hợp giá MobiFone đưa ra là cao hơn so với giá AVG dự kiến thì sẽ là không phù hợp). Việc đưa ra nhận xét này là có căn cứ trên cơ sở báo cáo của MobiFone và AVG. Việc xác minh thông tin AVG đưa ra là không cần thiết, vì khoản chênh lệch 300 triệu USD này còn nhỏ hơn khoản chênh lệch 7.000 tỷ đồng so với giá do tổ chức thẩm định giá đưa ra và việc so sánh này không ảnh hưởng tới ý kiến đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về giá mua, đó là “MobiFone cần phải thuê tổ chức thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động để định giá AVG. Trên cơ sở đó, MobiFone có thể tiến hành đàm phán với giá mua không cao hơn giá do tổ chức thẩm định giá đưa ra.”

Như vậy, việc trích dẫn văn bản tại Thông báo Kết luận thanh tra là không đầy đủ, có tính chất dẫn dắt để hiểu sai mục đích, sai nội dung của văn bản.

– Về hiệu quả của Dự án:

Bộ Thông tin và Truyền thông có đánh giá về Phương án kinh doanh và hiệu quả của dự án tại Mục 6 trang 12 Báo cáo đánh giá Dự án gửi kèm Công văn số 209/BTTTT-QLDN như sau “Trên cơ sở tính toán đó, MobiFone đã tính toán và xác định dự án có hiệu quả tài chính”.

Tiếp theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu “Mặc dù MobiFone báo cáo đã xây dựng kế hoạch kinh doanh trên quan điểm thận trọng. Tuy nhiên, các số liệu tính toán trong kế hoạch kinh doanh mới chỉ là những giả định và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phát triển thị trường, phát triển khách hàng trong thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình cạnh tranh trong lĩnh vực truyền hình trả tiền rất lớn, truyền hình cáp phát triển mạnh và đi trước, truyền hình số mặt đất chủ yếu là công ích. Do đó, trong điều kiện không thuận lợi, các chỉ tiêu tính toán không đạt được như dự báo thì hiệu quả của dự án sẽ giảm xuống.”

Như vậy, việc trích dẫn tại Thông báo Kết luận thanh tra là không đầy đủ, làm hiểu sai nội dung văn bản.

2.3. Kết luận:

Thông báo Kết luận thanh tra trích dẫn không đầy đủ, không chính xác nội dung văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông, dẫn đến hiểu sai, không đúng bản chất sự việc.

Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị loại bỏ nội dung kết luận này, hoặc trích dẫn đầy đủ và có phân tích khách quan, trung thực đúng với bản chất sự việc.

  1. Về việc tổng hợp ý kiến của các thành viên Tổ thẩm định

3.1. Thông báo Kết luận thanh tra nhận định:

– Trong việc tổng hợp, báo cáo kết quả thẩm định dự án, Tổ trưởng đã không tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện của một số thành viên, như: về sự cần thiết phải đầu tư vào AVG, việc lựa chọn phương án đầu tư mua cổ phần, việc xác định tỷ lệ mua cổ phần AVG nhưng đã đánh giá Mobifone nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về Dự án, là thiếu khách quan, mang tính chủ quan.

3.2. Ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông:

Bộ Thông tin và Truyền thông xin tóm tắt quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tổ thẩm định như sau:

– Ngày 07/10/2015, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 194/QĐ-BTTTT Quyết định Thành lập Tổ thẩm định Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

– Từ ngày 15 đến ngày 21/10/2015, các thành viên Tổ thẩm định đã có Văn bản cho ý kiến về Dự án, gửi Tổ trưởng Tổ thẩm định.

– Ngày 21/10/2015, căn cứ ý kiến của các thành viên Tổ thẩm định, Tổ trưởng Tổ thẩm định đã xây dựng Báo cáo sơ bộ gửi Thứ trưởng Phụ trách Tổ thẩm định, gửi kèm tất cả báo cáo của các thành viên Tổ thẩm định. Tại Báo cáo sơ bộ, Tổ trưởng Tổ thẩm định đã kiến nghị: “còn một số nội dung về công nghệ, kỹ thuật và tài chính cần đề nghị MobiFone làm rõ thêm. Do đó, trình Lãnh đạo Bộ Tổ chức cuộc họp của Tổ thẩm định với MobiFone để trên cơ sở đó Tổ thẩm định sẽ tổng hợp, báo cáo chính thức với Lãnh đạo Bộ để xem xét quyết định”. Thứ trưởng Phụ trách Tổ thẩm định đã đồng ý với kiến nghị của Tổ thẩm định.

– Ngày 23/10/2015, Thứ trưởng Phụ trách Tổ thẩm định đã tổ chức họp với Tổ thẩm định và MobiFone để xem xét, đánh giá về Dự án. Trên cơ sở nội dung thống nhất tại buổi họp, Tổ trưởng Tổ thẩm định đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo chính thức của Tổ thẩm định. Bên cạnh đó, do không có quy định về thẩm định dự án nên Báo cáo chính thức cuối cùng là Báo cáo đánh giá Dự án.

Từ trên cho thấy, ý kiến của các thành viên Tổ thẩm định không chỉ là ý kiến tại các văn bản gửi trước ngày 21/10/2015 mà còn bao gồm ý kiến phát biểu và thống nhất tại buổi họp ngày 23/10/2015 và đã được tổng hợp đầy đủ tại Báo cáo chính thức của Tổ thẩm định (báo cáo ngày 23/10/2015). Báo cáo chính thức của Tổ thẩm định cũng đã gửi kèm đầy đủ các ý kiến bằng văn bản của các Thành viên Tổ thẩm định. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chấp thuận báo cáo của Tổ thẩm định và đã có Công văn số 209/BTTTT-QLDN, Công văn 222/BTTTT-QLDN báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã nêu rõ về sự cần thiết phải đầu tư vào AVG, việc lựa chọn phương án mua cổ phần, việc xác định tỷ lệ mua cổ phần AVG,…

Trong quá trình thanh tra Dự án, Đoàn Thanh tra cũng đã tổ chức họp với Tổ thẩm định, tại buổi họp, tất cả các thành viên Tổ thẩm định đều khẳng định ý kiến của mình đã được tổng hợp, làm rõ và Báo cáo chính thức là đúng với nội dung cuộc họp của Tổ thẩm định ngày 23/10/2015 (có xác nhận bằng văn bản của các thành viên Tổ thẩm định). Do đó, khẳng định rằng Tổ trưởng Tổ thẩm định đã làm đúng trách nhiệm, tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực ý kiến của các thành viên Tổ thẩm định. Tất cả các nội dung về sự cần thiết phải đầu tư, phương án đầu tư, kỹ thuật, hiệu quả đầu tư,.. đều đã được MobiFone nghiên cứu và báo cáo trong Dự án. Tổ thẩm định đã thực hiện đánh giá đầy đủ tất cả các nội dung này theo đúng trách nhiệm và chuyên môn của mình.

3.3. Kết luận:

Từ trên cho thấy Thông báo Kết luận thanh tra đã cắt khúc giai đoạn, chỉ kết luận trên cơ sở nhận xét về Báo cáo sơ bộ của Tổ thẩm định (Báo cáo ngày 21/10/2015) mà không xem xét đánh giá Báo cáo Chính thức và ý kiến của các thành viên tổ thẩm định tại cuộc họp ngày 23/10/2015; không thừa nhận chứng cứ xác thực là ý kiến của các thành viên Tổ thẩm định tại buổi họp với Đoàn Thanh tra; vì vậy nhận định đưa ra là không đúng bản chất sự việc.

Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Thông báo Kết luận thanh tra đánh giá lại đúng với bản chất sự việc.

  1. Về việc trình phê duyệt Dự án

4.1. Thông báo Kết luận thanh tra nhận định:

– Trong khi giá mua cổ phần và hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ; Thủ tướng Chính phủ chưa quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư, nhưng Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (cũng là Tổ trưởng Tổ thẩm định) vẫn trình lãnh đạo Bộ TTTT quyết định phê duyệt Dự án đầu tư; thống nhất, tham mưu để lại 02 khoản mà AVG đã đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình là vi phạm điểm d, Khoản 3, Mục III Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ; không nhất quán với quan điểm chỉ đạo của Bộ TTTT, thể hiện cố ý làm trái

4.2. Ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông:

– Về việc đánh giá giá mua và hiệu quả đầu tư của Dự án:

Căn cứ quy định pháp luật như đã nêu tại Điểm III.1 (trang 9 Công văn này), Pháp luật hiện hành không có hướng dẫn cụ thể về nội dung, trình tự thủ tục thực hiện xem xét, phê duyệt Dự án (không phải thẩm định Dự án). Tuy nhiên, Tổ thẩm định đã thực hiện đánh giá đầy đủ về các nội dung của dự án, trong đó bao gồm cả giá mua và hiệu của của Dự án. Cụ thể, tại Báo cáo đánh giá Dự án (gửi kèm Công văn 209/BTTTT-QLDN), Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá:

+ Về hiệu quả:“Phương án kinh doanh là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả tài chính của dự án và chỉ thực hiện đầu tư khi dự án có hiệu quả.

MobiFone đã dựa trên sự phân tích, tổng hợp các số liệu quá khứ của thị trường truyền hình trả tiền nói chung và kết quả kinh doanh của AVG nói riêng cũng như căn cứ vào một số giả định về tốc độ phát triển thị trường, tốc độ phát triển khách hàng của AVG cũng như sự ổn định và thực thi chính sách của các cơ quản quản lý nhà nước để xây dựng kế hoạch kinh doanh của dự án. Trên cơ sở đó, MobiFone đã tính toán và xác định Dự án có hiệu quả tài chính.

Mặc dù MobiFone đã báo cáo và xây dựng kế hoạch kinh doanh trên quan điểm thận trọng. Tuy nhiên, các số liệu tính toán trong kế hoạch kinh doanh mới chỉ là những giả định và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phát triển thị trường, phát triển khách hàng trong thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình cạnh tranh trong lĩnh vực truyền hình rất lớn, truyền hình cáp phát triển mạnh và đi trước, truyền hình số mặt đất chủ yếu là công ích. Do đó, trong điều kiện không thuận lợi, các chỉ tiêu tính toán không đạt được như dự báo thì hiệu quả của Dự án sẽ giảm xuống. Đây là nội dung rất quan trọng, MobiFone cần phải tiếp tục rà soát và có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo hiệu quả của Dự án.”

+ Về giá mua:“Theo quy định hiện hành, để thực hiện mua cổ phần của AVG thì MobiFone cần phải thuê tổ chức thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động để định giá AVG. Trên cơ sở đó MobiFone có thể tiến hành đàm phán và mua với giá không cao hơn giá do tổ chức thẩm định giá đưa ra. Bộ TTTT không có điều kiện và chức năng để đánh giá về việc định giá và giá mua AVG.

Tuy nhiên, hiện nay, AVG vẫn đang lỗ kế hoạch và tổng lỗ lũy kế là 1.563,7 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 1133 tỷ đồng, giá trị tài sản 3.103 tỷ đồng, giá trị tài sản ròng là 1.970 tỷ đồng. Nên nếu giá mua mà giảm được nữa (ví dụ tương đương với số chênh lệch giữa nợ phải trả và nợ phải thu) thì hiệu quả Dự án sẽ được cải thiện hơn.”

Tại Phiếu tình số 380/PTr-QLDN ngày 21/12/2015 về triển khai Dự án (phiếu trình Quyết định phê duyệt Dự án), Tổ trưởng Tổ thẩm định đã thận trọng kiến nghị Lãnh đạo Bộ “xem xét phê duyệt” Dự án, đồng thời vẫn báo cáo lại nội dung về giá mua, hiệu quả của Dự án và cũng kiến nghị về trách nhiệm của MobiFone (chủ đầu tư) đối với hai nội dung này như sau “Giao cho HĐTV MobiFone chịu trách nhiệm quyết định giá mua; HĐTV chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án để đảm bảo hiệu quả đầu tư Dự án như MobiFone đã tính toán trong hồ sơ dự án”.

Dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG là dự án đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp do MobiFone đề xuất và lập Dự án. Theo tính toán của MobiFone, Dự án có hiệu quả và đem lại lợi ích cho MobiFone và Nhà nước. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến hướng dẫn và thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông không thể không phê duyệt Dự án theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu quy định tại Điều 28 Luật 69.

– Về Quyết định chủ trương đầu tư Dự án của Thủ tướng Chính phủ: Căn cứ quy định pháp luật tại Mục I nêu trên (trang 1 Công văn này), Pháp luật không quy định Bộ Thông tin và Truyền thông phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hay chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án.

– Về 02 khoản đầu tư của AVG:

Căn cứ Điểm d Khoản 3 Mục III Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015” doanh nghiệp nhà nước phải “chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính”.

Căn cứ Điểm a, b Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải “phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính”, không được góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngành nghề kinh doanh chính của MobiFone bao gồm đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình, truyền thông đa phương tiện. Ngành nghề kinh doanh chính của AVG là kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền. Do đó, việc MobiFone mua cổ phần AVG là đúng và phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của MobiFone theo đúng quy định pháp luật.

Hai khoản đầu tư của AVG vào Công ty Giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An viên B.P là 02 công ty con của AVG. Pháp luật không quy định trường hợp doanh nghiệp nhà nước (MobiFone) khi mua cổ phần của Công ty mẹ (AVG) thì phải xem xét cả ngành nghề kinh doanh chính của công ty con, công ty liên kết (Công ty Giống tằm Mai Lĩnh và An viên B.P). Ví dụ như Viettel mua cổ phần của Xi măng Cẩm phả, Vinaconex thì đồng thời phải thừa nhận tất cả các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết của hai doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, để AVG tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất chủ trương với MobiFone về việc không mua hai khoản đầu tư ngoài truyền hình (Công văn số 166/BTTTT-QLDN ngày 19/8/2015) và tại Thư công tác ngày 01/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ trưởng đã chỉ đạo “đề nghị AVG thoái vốn đầu tư vào bất động sản trên ra khỏi hợp đồng mua bán này. Nếu không thìgiao dịch và hợp đồng, Công ty cổ phần sẽ không thừa nhận vốn và hạng mục kinh doanh ngoài truyền hình này”.

Các cổ đông sở hữu cổ phân AVG (bên bán cổ phần) đã đồng ý lựa chọn phương án không thừa nhận giá trị của hai khoản đầu tư ngoài truyền hình (giá trị trong giao dịch là 0 đồng) theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, khi mua cổ phần một doanh nghiệp là đầu tư vào toàn bộ doanh nghiệp đó, không có khái niệm mua cổ phần “một bộ phận” của doanh nghiệp. Vì vậy, mặc dù trong giao dịch, hai khoản đầu tư của AVG không được thừa nhận (0 đồng), nhưng vẫn được ghi trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

Ngoài ra, sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có đủ cơ sở để phê duyệt Dự án. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp – Tổ trưởng Tổ thẩm định vẫn tham mưu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có Công văn xin ý kiến Bộ Tài chính về giá mua và trình tự thủ tục thực hiện Dự án. Điều này cho thấy việc thực hiện của Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp và Bộ Thông tin và Truyền thông là thận trọng, trách nhiệm.

4.3. Kết luận:

Từ trên cho thấy, Thông báo Kết luận thanh tra nhận định Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Tổ trưởng Tổ thẩm định) trình Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Dự án đầu tư trong khi:

– “Giá mua cổ phần và hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ” là không đúng bản chất sự việc. Giá mua và hiệu quả đầu tư đã được Tổ thẩm định đánh giá và nhắc lại trong Phiếu trình phê duyệt Dự án, cũng như kiến nghị bổ sung về trách nhiệm của MobiFone (chủ đầu tư) đối với hai nội dung này khi Dự án được phê duyệt.

– “Thủ tướng Chính phủ chưa quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư”là không đúng quy định pháp luật. Pháp luật không quy định Bộ Thông tin và Truyền thông phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hay chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án.

– “Thống nhất, tham mưu để lại 02 khoản mà AVG đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là vi phạm điểm d, khoản 3, Mục III Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ; không nhất quán với quan điểm chỉ đạo của Bộ TTTT, thể hiện cố ý làm trái” là không đúng quy định pháp luật và bản chất sự việc. Việc MobiFone đầu tư vào AVG là đúng với ngành nghề kinh doanh chính của MobiFone, đúng quy định pháp luật. Việc lựa chọn phương án không thừa nhận giá trị của hai khoản đầu tư của AVG là đúng với chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và đúng với quy định pháp luật.

Như vậy, việc Thông báo Kết luận thanh tra nhận định Tổ thẩm định “cố ý làm trái” là việc suy diễn theo hướng có lỗi.

Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị điều chỉnh lại theo đúng quy định pháp luật và bản chất sự việc. Trong trường hợp không thống nhất về quy định pháp luật áp dụng đối với Dự án đề nghị xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ, cụ thể:

– Đối với quy định về trình tự, thủ tục thực hiện phê duyệt Dự án, đề nghị xin ý kiến Bộ Tư pháp và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

– Đối với quy định lĩnh vực đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, đề nghị xin ý kiến Bộ Tài chính.

  1. VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Tại trang 7 và 8 Thông báo Kết luận thanh tra đã đưa ra 07 nhận định (07 gạch đầu dòng) không đúng về trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, cụ thể như sau:

  1. Về việc phê duyệt Dự án

1.1. Thông báo Kết luận thanh tra nhận định:

– Tuy Dự án đầu tư chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 Phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, vi phạm quy định tại Điều 31, Điều 34 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13; phê duyệt Dự án đầu tư khi chưa phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm, vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật số 69/2014/QH13; chưa phê duyệt Dự án đầu tư thuộc danh mục dự án nhóm A, vi phạm quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ.

1.2. Ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông:

– Về Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ: Căn cứ quy định pháp luật tại Mục I nêu trên (trang 1 Công văn này), Pháp luật không quy định Bộ Thông tin và Truyền thông phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hay chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án.

– Về việc phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm: theo quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014 – 2015, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin di động VMS được điều chuyển từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về Bộ thông tin và Truyền thông. Ngày 01/12/2014, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 1798/QĐ-BTTTT thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động. Việc phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm 2011 – 2015 cho MobiFone trong khi chỉ còn lại 01 năm để thực hiện là không hợp lý. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 254/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2015 phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020 của MobiFone.

– Về việc phê duyệt Danh mục dự án nhóm A:

Điểm g Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Bộ chủ quản đối với Tập đoàn kinh tế nhà nước trong phê duyệt danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B hàng năm. MobiFone không phải tập đoàn kinh tế nhà nước, do đó việc Thông báo Kết luận thanh tra viện dẫn quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP là không đúng.

Điểm e Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Bộ quản lý ngành với công ty thuộc Bộ, bao gồm “phê duyệt danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B hàng năm”.

Nghị định 99/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan không quy định phải phê duyệt Danh mục dự án đầu tư nhóm A, B trước khi phê duyệt hay quyết định đầu tư Dự án.

Danh mục dự án nhóm A, B hàng năm do MobiFone báo cáo, đề xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt. Dự án này cũng do MobiFone báo cáo, đề xuất và Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt Dự án. Do đó, việc phê duyệt bổ sung Danh mục dự án nhóm A, B cho Dự án chỉ là thủ tục hành chính.

1.3. Kết luận:

Từ trên cho thấy, các nhận định của Thanh tra Chính phủ là không đúng quy định pháp luật, suy diễn theo câu chữ của quy định mà không theo bản chất của sự việc.

Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị điều chỉnh lại cho đúng với quy định pháp luật. Trong trường hợp không thống nhất về việc áp dụng quy định pháp luật đối với trình tự, thủ tục thực hiện phê duyệt Dự án, đề nghị xin ý kiến Bộ Tư pháp và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

  1. Về 04 kênh tần số mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp cho AVG

2.1. Thông báo Kết luận thanh tra nhận định:

– 04 kênh tần số mà Bộ TTTT đã cấp cho AVG để thực hiện thí điểm “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số và phát triển hoạt động truyền hình giải trí kỹ thuật số trả tiền” liên kết với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Bình Dương (được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm). Theo quy định Luật Tần số vô tuyến điện, 04 kênh tần số này là tài nguyên Quốc gia có giá trị thương mại cao; khi giao cho đơn vị sử dụng, khai thác phải được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thu tiền nộp NSNN nhưng Bộ TTTT đã không thu hồi để tổ chức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng mà tại Văn bản số 209/BTTTT-QLDN ngày 28/10/2015, Bộ TTTT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ “cho phép Mobifone được tiếp tục sử dụng 04 kênh tần số đã cấp cho AVG để phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình và viễn thông”, mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng tại Điều 3 của Quyết định số 236/QĐ-BTTTT phê duyệt dự án đầu tư, Bộ TTTT đã cho Mobifone tiếp tục sử dụng 04 kênh tần số này là vi phạm quy định Luật Tần số vô tuyến điện; vi phạm các quy định của Bộ TTTT tại: Thông tư số 26/2013/TT-BTTTT ngày 27/12/2013 về Quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất băng tần UHF (470-806) MHz; Quyết định số 80/QĐ-BTTTT ngày 22/01/2014 về Phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi kênh tần số truyền hình mặt đất băng tần UHF (470-806) MHz giai đoạn 2014 – 2017. Do không đấu giá và chưa có giám định giá trị nên không xác định được thiệt hại (theo thẩm định giá của AMAX 04 kênh tần số có giá trị là 112,32 triệu USD tương đương 2.429,9 tỷ đồng).

2.2. Ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông:

Như đã nêu tại Điểm II.2.2 (trang 6 Công văn này), theo đó:

– Về pháp lý: Quyết định 236/QĐ-BTTTT là quyết định phê duyệt Dự án của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với MobiFone, không phải quyết định cấp phép tần số vô tuyến điện của cơ quan quản lý nhà nước. Quyết định 236/QĐ-BTTTT không vi phạm quy định pháp luật về viễn thông và tần số vô tuyến điện.

– Về thực tế triển khai: hiện nay MobiFone, AVG đều đang sử dụng các tần số của mình theo đúng các giấy phép đã được cấp. Bộ Thông tin và Truyền thông không thực hiện bất cứ sự điều chỉnh, chuyển đổi nào liên quan tới các giấy phép này.

2.3. Kết luận:

Thông báo Kết luận thanh tra đã nhầm lẫn giữa quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quyền của cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến hiểu sai phạm vi điều chỉnh của Quyết định 236/QĐ-BTTTT.

Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị loại bỏ nội dung này.

  1. Về giá mua, hiệu quả đầu tư và hai khoản đầu tư của AVG

3.1. Thông báo Kết luận thanh tra nhận định:

– Giá mua 95% cổ phần AVG và hiệu quả đầu tư là 02 yếu tố trọng yếu, trong báo cáo thẩm định dự án và các văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính, mặc dù Bộ TTTT còn băn khoăn, đã nhiều lần đề nghị được trợ giúp, tuy chưa được làm rõ, nhưng Bộ TTTT vẫn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư, trong đó có 02 khoản đầu tư ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG, mặc dù trước đó đã chỉ đạo Mobifone không mua 02 khoản đầu tư ngoài ngành.

3.2. Ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông:

– Về giá mua và hiệu quả đầu tư:

Như đã nêu tại Điểm III.4 (trang 13 Công văn này), Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện đánh giá đầy đủ về Dự án, trong đó bao gồm cả giá mua và hiệu quả đầu tư. Và để thận trọng, tại Công văn số 209/BTTTT-QLDN, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ “có hai nội dung là giá mua và hiệu quả của dự án, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho cơ quan có chức năng và kinh nghiệm đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Ngày 24/11/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 721/BKHĐT-KCHTĐT, theo đó “Bộ Kế hoạch và Đầu tư cơ bản thống nhất với các kiến nghị của Bộ TTTT và đề nghị Thủ tướng Chính phủ: chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Tổng công ty Viễn thông MobiFone; Giao Bộ TTTT tổ chức phê duyệt và triển khai dự án đúng quy định”.

Ngày 24/11/2015, Bộ Tài chính có Công văn số 1008/BTC-TCDN, theo đó “Bộ Tài chính thống nhất với đề xuất của Bộ TTTT về chủ trương đầu tư dự án.”

Ngày 14/12/2015, VPCP có Công văn số 2678/VPCP-ĐMDN thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ như sau “Chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu để phát triển dịch vụ truyền hình và giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện dự án mua cổ phần nêu trên theo đúng quy định của pháp luật”.

Sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có đủ cơ sở để phê duyệt Dự án. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp – Tổ trưởng Tổ thẩm định vẫn tham mưu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có Công văn xin ý kiến Bộ Tài chính về giá mua và trình tự thủ tục thực hiện Dự án. Điều này cho thấy việc thực hiện của Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp và Bộ Thông tin và Truyền thông là thận trọng, trách nhiệm.

Ngày 18/12/2015, Bộ Tài chính đã có Công văn số 1095/BTC-TCDN, theo đó, Bộ Tài chính đã căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 28 Luật 69 và xác định “việc phê duyệt dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Bộ TTTT”; dẫn chiếu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2678/VPCP-ĐMDN và “Đề nghị Bộ TTTT phê duyệt dự án đầu tư theo quy định”.

Về giá mua, Bộ Tài chính cũng đã hướng dẫn Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng quy định tại Điều 19, Điều 31, Điều 32 Luật Giá, theo đó “việc mua cổ phần và mua bán doanh nghiệp không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá”; “Các doanh nghiệp thẩm định giá khi cung cấp Chứng thư thẩm định giá, báo cáo kết quả thẩm định giá cho khách hàng phải chịu trách nhiệm về kết quả Chứng thư thẩm định giá”; “Kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và các bên liên quan xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản”.

Ngày 21/12/2015, Bộ Công an đã có Công văn số 2889/BCA-A61, theo đó “Bộ Công an đánh giá quá trình thực hiện đối với Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Tổng công ty Viễn thông MobiFone do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo là thận trọng, chặt chẽ, tuân thủ các quy định của pháp luật”.

Căn cứ ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến hướng dẫn và chấp thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an; trên cơ sở nghiên cứu và đề xuất Dự án của MobiFone (chủ đầu tư) Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện phê duyệt Dự án theo đúng quy định tại Điều 28 Luật 69.

Sau khi phê duyệt Dự án, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có Công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cho ý kiến về việc ban hành Quyết định phê duyệt Dự án. Ngày 27/01/2016, Bộ KHĐT có Công văn số 32/BKHĐT-PC, theo đó: “Việc Bộ TTTT (cơ quan đại diện chủ sở hữu của MobiFone) ban hành Quyết định phê duyệt Dự án là phù hợp với thẩm quyền quy định tại khoản 4, Điều 28, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp”.

Như vậy, việc phê duyệt Dự án của Bộ Thông tin và Truyền thông là có đầy đủ cơ sở nhất là ý kiến của các Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo Luật 69), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan soạn thảo Luật 67) và Bộ Công an và đúng quy định pháp luật.

– Về hai khoản đầu tư của AVG: như đã nêu tại Điểm III.4 (trang 13 Công văn này) cho thấy việc phê duyệt Dự án của Bộ Thông tin và Truyền thông là đúng quy định pháp luật.

3.3. Kết luận:

Thông báo Kết luận thanh tra cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Dự án khi chưa có đầy đủ cơ sở (giá mua và hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ) là không đúng. Dự án đã có đầy đủ các cơ sở để phê duyệt (đề xuất, tính toán của MobiFone, ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến hướng dẫn và thống nhất của của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vì vậy Bộ Thông tin và Truyền thông có đầy đủ cơ sở để phê duyệt Dự án.

Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị xem xét loại bỏ nội dung này khỏi Thông báo Kết luận thanh tra.

  1. Về việc xác định nguồn vốn đầu tư

4.1. Thông báo Kết luận thanh tra nhận định:

– Tại Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án đầu tư không xác định cụ thể nguồn vốn đầu tư (mặc dù trước đó đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng về việc sử dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vốn vay tín dụng 70% tổng mức đầu tư); thực tế Mobifone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu vào đầu tư dự án.

4.2. Ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông:

Khi lập Dự án, MobiFone dự kiến sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu (30%), vốn vay (70%) và đề xuất được vay vốn tín dụng đầu tư với lãi suất ưu đãi. Nếu đề xuất này của MobiFone được chấp thuận, thì sẽ tạo thuận lợi hơn cho MobiFone trong thực hiện Dự án. Đây là đề xuất của MobiFone, tại tất cả các văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông, nội dung này được tổng hợp dưới góc độ là ý kiến và đề xuất của MobiFone, không phải ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tuy nhiên, đề xuất vay tín dụng đầu tư với lãi suất ưu đãi của MobiFone không được chấp thuận. Trong khi đó, MobiFone đang có vốn nhàn rỗi lớn và nếu vay thương mại thì lãi suất cao và lớn hơn nhiều lãi suất khi MobiFone gửi tiền nhàn rỗi ở ngân hàng. Như vậy, nếu không sử dụng vốn nhàn rỗi (không phải trả lãi vay) mà sử dụng vốn vay ngân hàng (trả lãi cao) để thực hiện Dự án thì sẽ gây thiệt hại về tài chính cho MobiFone. Do đó, để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn, tối ưu hóa lợi ích của doanh nghiệp, trong Quyết định số 236/QĐ-BTTTT phê duyệt Dự án có ghi nguồn vốn đầu tư của Dự án là vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay. Và đây là thẩm quyền quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

4.3. Kết luận:

Từ trên cho thấy, Thông báo Kết luận thanh tra nhận định Bộ Thông tin và Truyền thông đã không nhất quán trong việc báo cáo đề xuất và việc phê duyệt nguồn vốn sử dụng là không đúng bản chất sự việc.

Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị xem xét loại bỏ nội dung này.

  1. Về chế độ quản lý thông tin Dự án và các nội dung xin ý kiến Bộ Công an

5.1. Thông báo Kết luận thanh tra nhận định:

– Việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng Bộ TTTT đã có Văn bản số 44/BTTT-QLDN ngày 05/3/2015 đề nghị Bộ Công an cho ý kiến và đã đưa giao dịch này thuộc danh mục Mật là không đúng quy định tại Điều 5, Điều 14, Điều 17 Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế công bố thông tin hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

– Bộ TTTT đề nghị Bộ Công an có ý kiến về nhiều nội dung không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an, thậm chí thuộc lĩnh vực của các Bộ quản lý chuyên ngành (về chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư; về vấn đề giá mua cổ phần, hiệu quả đầu tư của Dự án…) để xin ý kiến của Bộ Công an là không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, Bộ TTTT không thể căn cứ vào ý kiến của Bộ Công an để cho rằng mình đã tuân thủ đúng hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Khi Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ TTTT xem xét, quyết định theo thẩm quyền được pháp luật quy định về việc giải mật hoặc tiếp tục bảo mật, Bộ TTTT đã không thực hiện, đồng thời đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là không đúng quy định.

5.2. Ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông:

– Về việc đưa thông tin giao dịch MobiFone mua cổ phần AVG vào danh mục tài liệu MẬT:

Bộ Công an có Công văn số 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông trong đó có nêu “Bộ Công an đề nghị Bộ TTTT hướng dẫn công ty AVG không được phép chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài, mà chỉ nên bán cổ phần cho các đối tác trong nước, doanh nghiệp nhà nước là tốt nhất. Quá trình xử lý không nên tuyên truyền để dư luận hiểu là nhà nước Quốc hữu hóa hoặc thâu tóm doanh nghiệp”.

Căn cứ Điều 11 Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Bộ Công an là “cơ quan thực thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước”“hướng dẫn cơ quan, tổ chức lập danh mục bí mật nhà nước và thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước”, “quyết định và giải mật danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật sau khi thống nhất với người đúng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức có liên quan”.

Do đó, sau khi Bộ Công an có Công văn số 4352/BCA-A81, Bộ Thông tin và Truyền thông có Công văn số 44/BTTTT-QLDN đề nghị cho ý kiến về việc đưa giao dịch MobiFone mua cổ phần AVG vào danh mục tài liệu MẬT là đúng quy định pháp luật.

Căn cứ Điều 5 Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg, các thông tin doanh nghiệp phải công bố không bao gồm thông tin về các giao dịch, dự án của doanh nghiệp. Do đó, việc Thông báo Kết luận thanh tra viện dẫn quy định tại Điều này đối với thông tin về Dự án là không phù hợp.

Ngoài ra, việc áp dụng quy định pháp luật phụ thuộc vào phạm vi điều chỉnh, thẩm quyền của văn bản đó và các quy định pháp luật khác có liên quan. Ví dụ, đối với các doanh nghiệp quốc phòng, hoạt động trong các lĩnh vực MẬT, thì chắc chắn báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp sẽ được bảo mật, chứ không bắt buộc phải công bố theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg.

– Về việc Bộ Thông tin và Truyền thông xin ý kiến Bộ Công an trước khi phê duyệt Dự án:

Dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG không chỉ đơn thuần là Dự án về kinh tế, mà còn có các yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, chính trị. Ngay từ đầu Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn xin ý kiến Bộ Công an, vì vậy trước khi phê duyệt Dự án, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có Công văn xin ý kiến Bộ Công an là thể hiện sự thận trọng, trách nhiệm.

Như đã nêu tại Điểm IV.3 (trang 19 Công văn này), Dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG đã được MobiFone tính toán, lập Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chấp thuận, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến hướng dẫn và thống nhất, do đó Bộ Thông tin và Truyền thông có đầy đủ căn cứ để phê duyệt Dự án và đã tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Về việc giải mật thông tin liên quan đến Dự án:

Thanh tra Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đều không phải cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước. Do đó, khi Thanh tra Chính phủ đề nghị cho ý kiến về việc giải mật hoặc tiếp tục bảo mật thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xin ý kiến của cấp có thẩm quyền, để đảm bảo việc giải mật là đúng quy định pháp luật. Tiếp theo đó, do Thanh tra Chính phủ không có ý kiến trả lời ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động có Công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin giải mật thông tin liên quan đến Dự án (Công văn số 120/BTTTT-QLDN ngày 21/4/2017, Công văn số 299/BTTTT-QLDN ngày 28/9/2017).

5.3. Kết luận:

Thông báo Kết luận thanh tra đưa ra nhận định không đúng với quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Thông báo Kết luận thanh tra đã không nêu thông tin về ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để dẫn dắt tới việc hiểu rằng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ căn cứ vào ý kiến của Bộ Công an để phê duyệt Dự án; không nêu thông tin về các văn bản đề nghị giải mật thông tin Dự án của Bộ Thông tin và Truyền thông để dẫn dắt tới việc hiểu rằng Bộ Thông tin và Truyền thông không muốn công khai, minh bạch thông tin về Dự án.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị làm rõ các nội dung nêu trên theo đúng thực tế sự việc.

  1. VỀ VIỆC CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG MOBIFONE MUA 95% CỔ PHẦN AVG

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 667/BTTTT-QLDN ngày 13/3/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt Hợp đồng MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Theo đó:

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư TW Đảng, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong điều kiện Hợp đồng MobiFone mua 95% cổ phần AVG chưa thực hiện xong, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo MobiFone làm việc với Nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG (Nhóm cổ đông) để đàm phán chấm dứt Hợp đồng MobiFone mua 95% cổ phần AVG với nguyên tắc thu hồi đầy đủ số vốn mà MobiFone đã bỏ ra.

Ngày 12/3/2018, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Nhóm cổ đông và Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc MobiFone đã họp, trao đổi về việc chấm dứt Hợp đồng và thống nhất chấm dứt Hợp đồng; MobiFone hoàn trả lại toàn bộ cổ phần AVG cho Nhóm cổ đông; Nhóm cổ đông hoàn trả lại đầy đủ số tiền MobiFone đã thanh toán cộng với tiền lãi và các chi phí liên quan. Các nội dung chi tiết và trình tự thực hiện, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, MobiFone sẽ nhận được số tiền lớn hơn số tiền MobiFone đã thanh toán cho Nhóm cổ đông.

Trên cơ sở báo cáo nêu trên cho thấy, mặc dù hiện nay chưa có cơ sở nào để xác định Dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG là có sai phạm. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai Dự án, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan (trong đó có việc thanh tra Dự án kéo dài) Dự án đã không đạt kết quả như kỳ vọng. MobiFone và Nhóm cổ đông đã thống nhất chấm dứt Hợp đồng. Nếu thực hiện thành công sẽ đảm bảo thu hồi toàn bộ vốn của MobiFone, không để thất thoát vốn của MobiFone, của Nhà nước.

Việc chấm dứt Hợp đồng MobiFone mua 95% cổ phần AVG sẽ là cơ sở quan trọng để xác định thiệt hại (nếu có) của Dự án. Việc này đã được MobiFone và Nhóm cổ đông thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên Thông báo Kết luận thanh tra đã không ghi nhận nội dung này, dẫn đến các nội dung nhận định không phù hợp với thực tế khách quan đang diễn ra.

  1. KẾT LUẬN

Thông báo Kết luận thanh tra đưa ra các kiến nghị biện pháp xử lý, trong khi các nội dung nhận định là không dúng quy định pháp luật, không đúng bản chất sự việc, có tính chất suy diễn theo hướng có lỗi và “hình sự hóa” quan hệ kinh tế.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có Công văn xin ý kiến Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc áp dụng Luật đối với Dự án. Trong trường hợp có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền yêu cầu Thanh tra Chính phủ thu hồi và sửa lại Kết luận thanh tra hoặc sẽ khiếu nại về kết luận thanh tra theo quy định tại Điều 57 Luật Thanh tra.

Nam Phương Việt