NGÀY 21 THÁNG 6, NGÀY GÌ?

NPV – Tôi thích cách nói của một cha bạn cũng làm báo, hôm nay là ngày “đám giỗ” nhà báo. Nghề này đáng lẽ phải có trợ cấp độc hại? Bây giờ thấy làm báo xứ mình ngày càng cam go và dễ bị nhiễm độc nhiều hơn trước nhiều…

Thật vậy, nghề báo là nghề ngày càng nguy hiểm. Hồi đó, họp ban biên tập TT có vấn đề cứ phải bàn hoài, tồn tại hay không tồn tại. Giờ các tòa soạn có khi đã đổi đề tài: nên sợ bạn đọc hay là không sợ, lượm tiền hay không lượm tiền… Sáng mới đọc bài của nhà báo Hàn Ni (SGGP), mấy chuyện mình biết rồi, giờ đọc trên FB, đó, cho thấy nhà báo mafia cỡ nào, kết với mafia doanh nghiệp thì kinh khủng cỡ nào?

Nghề báo với mình cũng chỉ là làm công dân, làm người vậy thôi. Nghề báo cho mình sự nhạy bén, biết đào sâu, đối chiếu và hệ thống thông tin sao cho gần sự thật nhất. Giờ làm nghề xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp cũng làm kiểu nhà báo thôi. Đồng hành, “làm mọi” cho những doanh nhân nghèo cặm cụi đi học, từng ngày “trần ai” leo ngược dốc cạnh tranh; những case khởi nghiệp kiên định đáng phục như Ngọc Trà, Võ Văn Tiếng, Anh Thy, Đan Thùy… luôn cho mình niềm cảm hứng say mê như hồi xách ba lô, vác máy lên đường đi làm phóng sự.

Năm nay tự nhiên được bạn cũ gửi cho mấy tấm ảnh thiệt là cũ. Một bức ảnh chụp với liên đội 303 Thanh niên xung phong ở Phnompenh. Đó là liên đội mình gắn bó nhất, nhiều ngày cùng lặn lội băng rừng, Thanh niên xung phong thì đi tải thương, tải đạn còn mình thì ghi ghi chép chép.

Có những đêm nằm ngủ giữa rừng, sáng dậy thấy tóc lạnh ngắt, cứng khừ như miếng đồ chùi son. Sau 303, mình gặp các anh Sư 7 quân đoàn 4, năn nỉ hồi lâu, các anh đồng ý cho mượn quân phục, giả làm bộ đội, nhảy lên xe Jeep vào Phnompenh ngày đầu giải phóng. Ảnh này chụp lúc mình gặp lại các bạn TNXP cũng vừa vào TP.

Ở đây, chiều tối, ngứa chân, mình lại “lén” bộ đội đi lang thang, vào… Tòa đại sứ Bắc Triều Tiên đang mở tung cửa, xem có gì. Giữa nhà, bàn ăn linh đình, thức ăn bị xô đẩy, đổ tháo, bắt đầu phân hủy. Ra cái hồ bơi phía sau phủ đầy rêu, bỗng up, như có ma, anh bộ đội đi sau lưng hét to, lôi dưới hồ lên một cậu lính Bắc Triều Tiên ướt sũng. Đời mình sao hay “liên can” các bạn Bắc TT đến thế.

Đi festival Bình Nhưỡng về, mình viết mấy bài trên Tuổi Trẻ, cũng thành một rắc rối to. Chuyện vui là chị Hồ Thể Lan, phu nhân anh Vũ Khoan kể lại, lúc đó phía BTT phản ứng dữ, là phát ngôn bộ ngoại giao, mình hứa sẽ phạt nặng tờ báo và tác giả nhưng… anh Vũ Khoan cười ngắt lời, viết đúng thế còn gì!

Chị Hồ Thể Lan có một cú điện thoại gọi mình khiến mình nhớ mãi. Sáng 26/3/2004, bỗng chị gọi, giọng cực kỳ bức bách: Này, KH ơi, đang ở đâu đấy? Dạ em đang ở Cà Mau. Đấy, mình bảo, Bách (bác sĩ Tôn Thất Bách) vừa qua đời vì sốc tim ở tận Lào Cai, gia đình chẳng có ai ở cạnh lúc gặp nguy. KH hãy nghe mình, về nhà ngay đi, sao cứ đi mãi thế…

Nghề đi cũng là nghề báo. Mà chị ơi, không đi sao được, nên biết làm sao mà dừng, chắc đi cho tới khi… đi luôn.

Trưa nay mình cũng đi đám giỗ chú 6 Dân. Sau ngày mình bị nghỉ báo Tuổi Trẻ, mình chủ động cắt hết mọi quan hệ với chú. Chú cũng không hỏi, có lần gặp anh thư ký nghe kể rằng, chú nói, kệ nó, tính nó vậy, nó sẽ tự sống được.

Những tháng ngày cuối đời khi chú không còn quyền lực, mình lại đến, lại trò chuyện thân-tình-như-bạn-bè với chú. Chú trao đổi về nhiều vấn đề, vì sao quân đội không nên làm kinh tế, vì sao không nên nhập Hà Tây vào Hà Nội, nhưng có hai câu hỏi, mình “truy bức” đến cùng thì chú cười, nè, từ từ, bức xúc dữ, đồng chí?

Rằng, sao miền Bắc làm quá nhiều đường, lắm cao tốc mà đâu thấy xe đi bao nhiêu, nhiều đoạn đi rất “sợ ma”, còn ĐBSCL, xe kẹt cứng, quá trời tai nạn chết người mà đầu tư đường sá chẳng ra sao? Sao miền Nam làm ra đủ thứ gạo, cá, trái cây nuôi cả nước mà giáo dục lại để cho kém nhất, là vùng trũng cả nước. Chú giải thích, mình tiếp tục tranh luận mãi chưa xong, cho đến khi chú… đi luôn thật bất ngờ. Câu chuyện nghề báo với chú thì dài lắm, thú vị lắm nhưng chắc phải viết một bài khác.

Ảnh chụp với LĐ 303, mình ngồi hàng thứ nhì, thứ 3 từ trái sang. Ảnh họp ở báo TT (ảnh Nguyễn Công Thành).

Vũ Kim Hạnh