Nhân Ngày kỷ niệm Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6: Liệu lời thật có mất lòng?

NPV – “Thay báo chí phê phán bằng báo chí giải pháp”. Đó là ý kiến của nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo tại buổi tọa đàm “Báo chí xuất bản sáng tạo, đồng hành cùng TP, vì cả nước”, tổ chức tại TP.HCM ngày 19-6.

Tại tọa đàm này còn có sự hiện diện của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Trình bày tại tọa đàm, thì trong số các thể loại báo chí, thể loại “sang trọng và trí tuệ nhất” vẫn là bình luận, phân tích và gợi mở giải pháp. Theo đó, thấy cái xấu rồi phê phán bao giờ cũng dễ hơn đưa ra các giải pháp làm sao để ngăn ngừa cái xấu, không cho nó phát sinh, tái diễn và lộng hành.

Điều tra cũng quan trọng, nhưng nó chỉ được ví như “súng trường, lựu đạn”. Bình luận, phân tích với những lý lẽ sâu sắc, gợi mở các giải pháp, đề xuất sáng tạo mới là “đại bác”, mới có sức “công phá” vào thế sự, nhân tâm để góp phần lay động, cảm hóa lòng người, làm chuyển động tình hình theo hướng tiến bộ hơn. Phanh phui cũng cần thiết. Nhưng báo chí giải pháp mới là “đàn anh” của báo chí phanh phui.

Các nội dung trên cũng là quan điểm của cựu chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo. Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với bà Thảo và nhận xét rằng lâu nay báo chí cũng có giải pháp nhưng chưa nhiều, nay cần phát huy nhiều hơn nữa. Để đi đến báo chí giải pháp, phóng viên phải tìm được các nhà khoa học, người dân để trao đổi, như vậy mới đi từ quan sát, phân tích đến khuyến khích thực hiện giải pháp.

Vấn đề đặt ra là nếu báo chí tăng số lượng bài vở theo hướng ‘báo chí giải pháp’, và các ý kiến ghi nhận đó từ các nhà khoa học, từ người dân như gợi ý của ông Nguyễn Thiện Nhân, trong trường hợp các giải pháp đi ngược lại định hướng tuyên truyền mà Ban Tuyên giáo Trung ương đã đặt ra trong các giao ban tuần, giao ban tháng, thì phóng viên cùng ban biên tập tờ báo đó có phải đối mặt với tội hình sự lợi dụng quyền tự do dân chủ?

Xem ra để đội ngũ phóng viên, các tòa soạn báo mạnh dạn thực hiện việc ghi nhận những giải pháp đề xuất cho quản trị quốc gia, cho các chính sách, thể chế chính trị thì điều kiện tiên quyết là pháp luật cần được tôn trọng. Luật Hiến pháp phải được trả về đúng vị trí là ngành luật chủ đạo, cơ bản nhất trong hệ thống pháp luật của một quốc gia; nó điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng nhất, cơ bản nhất và tất cả những ngành luật khác để hình thành trên những nguyên tắc của hiến pháp.

Trần Thành