RU CON TÌNH CŨ…

Thu học ban C, có giọng hát hay, quyến rũ và từng là hoa khôi của truờng Tiểu La lúc bấy giờ. Với mái tóc dài xõa ngang lưng, khuôn mặt trái soan, làn da trắng hồng, thướt tha trong tà áo dài trắng, Thu đã làm cho biết bao nhiêu chàng trai điêu đứng….

 

“Ba năm qua em trở thành thiếu phụ

Ngồi ru con như ru tình buồn

Xin một đời thôi tiếc thương nhau

Xin một đời ngủ yên dĩ vãng

 

Ba năm qua em trở thành thiếu phụ

Ngồi ru con như ru tình sầu

Kỷ niệm nào ghi dấu trên tay

Cho lòng này dài những cơn đau

 

Ôi ba năm qua rồi

Đời chưa nguôi gió bão

Người xa xôi phương nào

Người có trách gì không?

 

Thôi anh ơi anh đừng hờn trách nữa

Đời em như rong rêu tội tình

Xin gục đầu ghi dấu ăn năn

Thôi đừng buồn em nữa nghe anh”.

 

Sau này, người con gái tên Thu cũng đi vào trong bài thơ “Cây đàn thương nhớ” của Đynh Trầm Ca với những hình ảnh rất đẹp của tuổi học trò:

 

“Buổi ta vác cây đàn ngang trường cũ

Ai như em đứng ngó cuối hành lang

Ai như ta ngồi mơ sau cửa lớp

Có lẽ nào mình còn đó sao, Th…?

 

Buổi ta vác cây đàn xa trường cũ

Em vẫn còn chạy nhảy dưới hàng soan

Nên ta đi mà hồn thì quay lại

Níu vai cầu hát gửi khúc chia tan

 

Buổi ta vác cây đàn vào gió cát

Hồn không theo nên thân xác liêu xiêu

Ném nốt nhạc lên chín tầng mây dạt

Nghe quê người mưa rớt hột cô liêu

 

Ta gục xuống những đường gai đã nhọn

Máu từ tim ứa nở cánh phượng đầu

Ta muốn hái tặng em ngày tháng cũ

Chợt ngậm ngùi: Ngày vui đã qua mau!

 

Ngày vui đã phai trên màu tóc cỏ

Cỏ còn xanh – đời xanh chẳng quay về

Chỉ câu hát giữ em hoài bé nhỏ

Nên ta thề: Xin làm một kiếp ve!

 

Để hát mãi về em thời đi học

Cho trăm năm em vẫn nữ sinh hoài

(Nhỡ có tiếc cũng xin em đừng khóc

Đời không vui cho ta nhận riêng ai)

 

Buổi ta vác cây đàn về quê cũ

Qua dốc cầu gặp hồn nhỏ chơ vơ

Hồn đứng với ba mươi năm hoài niệm

Bên trường xưa (em có gặp bao giờ?)

 

Ta lại vác cây đàn đi tứ chiếng

Hồn theo ta qua những chốn mịt mùng

Mây viễn phố bao chiều thay áo nõn

Ta nâng đàn thương nhớ phá lên cung”

 

(LTN)