TẾT LÀ NGÀY SUM HỌP, CŨNG LÀ NGÀY… PHÂN LY

Ai cũng biết, Xuân về, Tết đến lòng người rộn ràng đón mừng và sắt se với mong muốn quay về với gia đình, quê nhà, tưởng nhớ tới tổ tiên, người thân, đón chờ một sự sum họp.

Ngày Tết cổ truyền chính là nét đẹp văn hóa, khơi dậy tình yêu thương, gắn kết của từng gia đình, dòng tộc, nên nó chứa đựng ý nghĩa thiêng liêng và mang bản sắc của dân tộc Việt! Có thể nói, ngày Tết là ngày sum họp. Tuy nhiên, thì ngay trong sự sum họp đã chứa đựng sự phân ly.

Một đất nước mà trải dài chinh chiến, chết chóc, đau thương làm gì có được niềm vui sum họp trọn vẹn. Những năm tháng chiến tranh, con phải xa cha, vợ đành phải xa chồng, cha mẹ luôn mong ngóng con về nhưng có mấy khi gặp mặt! Hãy nghe lời ca da diết “Xuân này con không về”.

Một đất nước trải theo chiều dài hàng ngàn cây số, với bao lớp người rời bỏ quê nhà đi xa, tha phương cầu thực, từ Bắc, từ Trung vào Nam, đi làm công nhân, làm thuê mướn, với đồng lương còm cõi, không có khoản tích lũy, làm sao có thể sum vầy trong những ngày vui Xuân, đón Tết.

Một xứ sở mà hàng triệu con dân phải rời bỏ quê hương bằng con đường vượt biển, chấp nhận đánh đổi sinh mạng, để sống ở bên nữa vòng trái đất, liệu ai cũng có điều kiện và còn nhiều động lực để hồi hương, trở về thăm quê nhà những ngày Tết? “Với nghề nghiệp của mình, tôi đồng cảm và chia sẻ với nhiều gia đình thân chủ khi có người thân còn đắm chìm trong lao lý, thậm chí có nhiều người là bị can, bị cáo kêu oan, nói đúng hơn đang ở tù oan!

Họ là người cha, người mẹ, là con, bỏ lại con thơ và cha mẹ già hiu quạnh và xiết bao tủi hận trong những tháng ngày chờ mong và yếu tố phân ly càng khắc đậm hơn trong những ngày mà nhà nhà sum họp…

Trong phạm vi hẹp của một gia đình, sự sum họp cũng hẳn gì là tuyệt đối. Chị gái tôi có chồng miền Trung, em gái tôi có chồng đất Bắc, cứ mỗi dịp Tết đến là một cuộc đấu tranh tư tưởng và dàn xếp để quyết định về quê chồng, quê nội hay ở lại bên vợ, quê ngoại, hay đành chia đàn xẻ nghé để được “sum họp” cả hai nơi… Còn trường hợp khác nữa, có những người không còn cha mẹ, cả bên vợ lẫn bên chồng, thì phải về đâu…?!

Cho nên, ai muốn sum vầy thì cứ sum vầy, nhưng đừng quá nhấn mạnh để đỡ làm tủi lòng những phận người đang chịu cảnh phân ly”.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc chia sẻ với kênh truyền hình Nam Phương Việt, dịp xuân mới Mậu Tuất 2018.