Người Việt đã xấu xí từ lâu?

NPVRất có thể là người Việt xấu xí từ lâu rồi. Phan Bội Châu trong thời gian 15 năm cuối đời, sống ở Huế (1925 – 1940), có để lại một cuốn Tạp ký. Lúc đó, ông không còn tâm thế của người đứng ra vận động cứu nước, mà thiên về cái nhìn của một trí thức từng trải, đau lòng trước tình trạng lạc hậu của đất nước.

Dưới đây là một đoạn ông nhận xét về không khí xô bồ, nhếch nhác thường thấy phổ biến ở lễ hội của người Việt – miếng ăn quá to, người ta chỉ nghĩ đến ăn, tranh giành ngôi thứ cũng chỉ vì ăn:

“Tế có nghĩa là giao tế (đi lại thù tạc, mời đãi nhau) vì nó ở trong phạm vi nghi lễ. Quá lắm thì xa xỉ, không đúng mức thì bủn xỉn, đều chưa hợp lễ. Dân gian tế tự, nghi thức không đủ, mà còn đùa bỡn vật mọn, cả nước như cuồng. Trước lúc chưa tế thì mồm nói cấm kỵ mà đòi uống tìm ăn. Nghe xướng hai tiếng “lễ tất”, ai nấy đều nhao nhao. Bưng mâm thì ăn ngay trước cửa thần, rót rượu thì uống ngay trước mặt thánh. Đến khi dọn cỗ, trên các quan viên, dưới đến bình dân, ngồi đứng lung tung. Sau khi uống một hai chén rồi, Giáp thì đánh Ất, Ất thì đánh Bính, chửi mắng rầm rầm. Thậm chí chia thịt chưa đều thì đua sức đua hơi ngay ở đấy để chia tôn ti, phân biệt thứ bậc?”.

Đầu thời Nguyễn, Gia Long từng có một đạo dụ liên quan đến tình trạng tế lễ ở các làng: “Vào đám hát xướng nhiều thì vài mươi ngày đêm, ít thì 8 – 9 ngày. Chèo thuyền hát hỏng ăn uống xa hoa, tiêu không tiếc tiền, rồi lại đua thuyền múa rối, đủ mọi thứ trò. Lại kén lấy trai tơ gái trẻ đánh cờ đánh bài. Tưởng là thờ thần, thực là để thỏa lòng dục. Ngân quỹ hết thì sinh ra đóng góp, cầm bán ruộng công?”.

Trong các tiểu thuyết của các nhà văn tiền chiến, lễ hội cũng thường hiện ra như một khung cảnh ồn ào luộm thuộm và mang nhiều tính cách tầm thường. Trong tiểu thuyết Lan và Hữu, Nhượng Tống sau khi miêu tả cảnh đi hội chen chúc hỗn độn, lại đặc biệt than phiền về tình trạng bẩn thỉu mất vệ sinh ở các chùa: “Nếu tôi có tội phải người ta bắt đi đày thì đày tôi ra Côn Đảo ba năm tôi không sợ bằng đày tôi nơi cửa chùa Thiên Trù suốt ba tháng hội”.

Thật không khó gì nếu cần chứng minh cho tính đúng đắn của các nhận xét trên. Báo chí thời nay cũng đã hé ra cho thấy tình trạng tương tự. Vấn đề không phải chỉ là việc tổ chức luộm thuộm, người xe chen lấn ùn tắc, mà còn ở cảm giác dung tục mà con người thời nay mang tới lễ hội. Thiếu lòng thành kính tối thiểu, người ta đi chỉ cốt để cầu lợi.

Đành rằng ở đâu cũng có người tốt người xấu, không có chỗ nào mà có toàn người tốt, cũng chẳng có nơi nào toàn người xấu. Nhưng khi cái xấu ngày càng nhiều và diễn ra hàng ngày trước mắt thì nó sẽ dần được xem như điều bình thường.

Dĩ nhiên, không phải người Việt nào cũng xấu xí, nhưng nếu bạn đọc nội dung bên dưới mà thấy mình cũng có khi như vậy thì hãy suy nghĩ nhé:

Một. Khạc nhổ ngoài đường. Nếu bạn chưa từng bị dính nguyên bãi nước bọt, đờm, nước mũi khi đang đi trên đường phố Việt Nam thì bạn chưa cảm nhận hết cái sự điên cuồng, khó chịu đến phẫn nộ của những phi vụ hôi thối này.

Có lần tôi nghe kể chuyện về một cô Tây sang Việt Nam du lịch lần đầu tiên. Cô ngồi trên xích lô ngắm phố phường và vô tình hứng luôn bãi nước bọt của người đi xe máy phía trước. Vậy là cô đổi vé máy bay về nước trong ngày hôm ấy và hứa sẽ không quay lại Việt Nam lần nữa.

Hai. Nói chuyện lớn tiếng chỗ đông người. Tiếng Việt có âm sắc, huyền, hỏi, ngã, không giống như nhiều ngôn ngữ khác. Vì thế, nhiều người nước ngoài, nhất là người Âu Mỹ lần đầu nghe tiếng Việt sẽ thấy rất chói tai. Vậy mà, nhiều người nói rất lớn tiếng chỗ đông người, nghe cứ như đang cãi nhau. Hôm tôi đi ăn một quán ở TP HCM. Tôi đang ngồi ăn thì có nhóm khách là nhân viên văn phòng kéo vào và từ đó cái quán thành cái chợ và bữa ăn trưa kém ngon vì sự ồn ào.

Ba. Hỉ mũi sột soạt tại quán ăn. Nhiều người chẳng thèm biết cảm giác của người xung quanh ra sao khi cứ vô tư hỉ mũi sột soạt chỗ quán ăn đông người (nhất là những quán bán đồ ăn có vị cay như bún bò, bún riêu…). Nếu các bạn đang ngồi ăn mà nghe hỉ mũi thì cái thú ẩm thực cũng mất luôn.

Bốn. Lãng phí đồ ăn. Các bạn hãy thử đi ăn buffet xem, nhiều người lấy đồ ăn cả bàn ăn không hết. Họ ráng gồng mình để ăn cho đủ với số tiền bỏ ra. Ăn không được thì bỏ. Thế nên nhiều nơi phải dán dòng chữ bằng tiếng Việt: Xin lấy thức ăn vừa đủ là như vậy!

Năm. Sĩ diện. Nhiều người Việt không sống đúng với thực tế của bản thân. Họ vay mượn, làm đủ mọi cách để có quần áo, xe cộ, nhà cửa, máy móc cho bằng người khác. Họ sĩ diện và tạo vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài và bất chấp cái ruột bên trong trống rỗng.

Sáu. Ghen ăn tức ở:  Nhiều người hay thở dài rằng ở đời giàu bị người ta ghét, nghèo bị người ta khinh. Nhiều người ngại công nhận mình thua kém và người khác tài giỏi hơn mình. Họ thường tìm cách vạch lá để tìm sâu.

Nếu ai đó thành công, họ sẽ nói do A, B, C như thế này thế kia và tìm cách chê bai chỉ trích. Vì thế nói văn hoá phương Tây thiên về khuyến khích, văn hoá Việt Nam thiên về chỉ trích là không hề sai chút nào!

Bảy. Dối trá lừa lọc. Tật xấu này, tôi thấy dường như với người Việt đã là chuyện rất bình thường chứ không có gì to tát. Người ta khất hẹn với bạn thường bịa lý do nào đó thay vì nói thẳng nói thật. Nói dối dù gây hại hay không thì nó cũng đã tạo nên một thói quen xấu và hậu quả là bây giờ nhiều người nói nhưng mình không thể tin. Cuộc sống mà chúng ta không có lòng tin nhau cũng mệt mỏi.

Tám. Hùa theo số đông. Người Việt thích làm những gì mà nhiều người đang làm, thích ăn uống ở nơi thấy nhiều người xếp hàng, thích mua hàng hoá đang có quảng cáo trên tivi, thích bàn tán chuyện báo chí đang đề cập…

Nói chung là ai cũng muốn chứng tỏ mình sành điệu và bắt kịp thời cuộc, cho nên nhiều trận chê hội đồng và khen theo phong trào vô tình làm nên nhiều hiện tương quá lố… Những tật xấu này chưa có biểu hiện sẽ bớt đi mà ngày càng nở rộ.

Anh Thư