Tô canh hẹ

Một chuyện kể hàng tuần mà hồi nhỏ tôi học trong sách Tập đọc lớp Năm (lớp Một bây giờ) là Tô canh hẹ. Chuyện kể đại khái thế này…

Vũ Thế Thành

Một người bị tội phải giam trong ngục. Lính gác đưa vào cho người tù tô canh hẹ. Anh ta cầm tô canh không ăn, chỉ nức nở khóc. Anh lính hỏi vì sao, người tù trả lời, ở nhà tôi thích canh hẹ, mẹ tôi thường nấu cho tôi ăn. Nhìn tô canh hẹ này, tôi chắc mẹ tôi nấu canh lặn lội đường xa đến thăm nuôi tôi. Tôi chưa báo hiếu ngày nào, lại để mẹ già khổ cực vì tôi thế này, nên tôi khóc.

Truyện chỉ có thế, hai trang: một trang in chữ to, trang kia là hình minh họa. Tôi còn nhớ tranh vẽ người lính mặc đồ như lính thú ngày xưa, đội nón lá đứng nhìn, còn người tù ngồi bệt dưới đất, mặc áo rách, một chân co lên, hai tay bưng tô canh trước mặt, nước mắt rơi lã chã.

Thuở đó tôi không biết rau hẹ thế nào, đọc truyện thấy cảm động nên nài nỉ mẹ tôi nấu canh hẹ ăn thử. Mẹ tôi ngạc nhiên, thằng con thường ngày một cọng hành cũng hớt ra khỏi tô canh, nay tự nhiên lại đòi ăn rau.

Bà nấu canh hẹ với đậu hũ, tôm khô. Vị chẳng có gì đặc biệt, nhưng mùi dễ chịu. Tôi ăn thấy tạm được, không thích lắm. Lỡ đòi ăn thì phải ráng nuốt cho hết, không bày tỏ khen chê một lời. Cái dại “sĩ diện” không bày tỏ khen chê cũng là chuyện di họa. Sau này mỗi khi thấy tôi ít ăn, bà lại nấu canh hẹ. Tôi miễn cưỡng ăn vì hiểu tạo sao bà lại nấu, nhưng bà lại cho tôi ăn canh hẹ cả tuần đến độ tôi nài nỉ làm món khác.

Sau này lớn khôn, đi làm rồi, đôi khi mẹ tôi lại hỏi, có ăn canh hẹ không, bà nấu. Tôi lại miễn cưỡng gật đầu. Già yếu, không làm gì được nữa, thì mẹ tôi nhắc nhở người nhà, nấu canh hẹ cho tôi ăn. Lúc nào bà cũng nghĩ canh hẹ là món ăn tôi thích, mà thích từ hồi nhỏ.

Hồi nhỏ tôi thường ra ngoài phá phách, hàng xóm đến nhà mắng vốn. Cũng có khi trong lớp tôi bị phạt, đứa bạn ghé nhà mách lẻo. Gặp tình huống này mẹ tôi rất nhanh nhẩu phạt tôi ngay, chứ không chờ “bạo chúa” ra tay. Ba tôi làm cái roi điện, ông gọi thế, thật ra roi làm bằng dây điện cứng, xoắn mấy sợi lại với nhau. Ông bảo, đánh một roi thành bốn, năm roi. Tôi sợ chết khiếp.

Nhưng “bạo chúa” chỉ bạo… miệng chứ chưa bao giờ xử thằng con bằng roi điện, chỉ có mẹ tôi phết vào mông tôi bằng cán chổi. Gãi ngứa! Có lần bà mạnh tay. Tôi khóc òa. Đau không đáng kể, nhưng ấm ức, vì sao hôm nay lại đánh mạnh thế! Tôi giận. Hôm sau bà dỗ dành tôi bằng canh hẹ. Giận một buổi không ăn cơm cũng đủ biến tô canh hẹ thành sơn hào hải vị.

Đời phong ba khó nói hết… Sống trong một xã hội mà hành lang pháp luật rộng rãi, ngút ngàn như đường cao tốc, con người thường xuyên phải đối mặt với chuẩn mực đạo đức khác thường, và gọi đó là “thức thời để thích nghi”, nhưng thích nghi ở mức nào đây? Tự mình biện hộ cho chính mình thì ngôn ngữ lập luận thuyết phục vô cùng. Mỗi khi rơi vào tình huống như thế, tôi lại nhớ đến hình ảnh người tù bưng tô canh hẹ…

Một độc giả trẻ khi đọc Ông thầy Việt Văn trong tập tùy bút Sài Gòn, một góc ký ức đã viết email hỏi tôi, làm thế nào để giữ vững cái nguyên tắc sống đó. Biết trả lời thế nào, khi bản thân tôi vẫn phải hàng ngày hàng giờ, vất vả tự tranh đấu với bản thân về cái “thức thời để thích nghi”. Tôi không nhắc đến câu chuyện tô canh hẹ vì tôi biết, tuổi thơ của bạn trẻ đấy đã học những gì khác tôi được học…

Câu chuyện Tô canh hẹ khởi đầu là một status tôi viết trên facebook cá nhân. Một bạn đọc, chắc cùng thế hệ với tôi, đã comment bổ sung, anh lính gác nghe chuyện, thấy cảm động, trình lên quan, và quan đã tha tội cho người tù.

Tôi cũng nhớ mang máng như thế, nhưng mấu chốt câu chuyện chính là, bà mẹ nấu canh hẹ và nước mắt người tù. Phải có sự giao cảm vô hình giữa hai điều đó mới đánh động vào tâm hồn non nớt của bọn trẻ lớp Năm như tôi và các bạn cùng thời. Để rồi ở tuổi “già” này lại thử thách nhau trí nhớ về những tình tiết nhỏ nhặt trong sách giáo khoa tiểu học.

Ngày trước, ở miền Nam, sách giáo khoa được tự do biên soạn theo chương trình khung của Bộ Giáo dục, dài chừng hai trang giấy cho mỗi môn học, mỗi cấp lớp. Sách nào viết hay thì thầy cô giới thiệu với phụ huynh, chứ không có người chủ biên hay nhóm biên soạn, rồi thêm hội đồng đánh giá, thẩm định bạc tỷ…

Thật ra, Trung tâm Học liệu thuộc Bộ Giáo dục cũng nhờ người biên soạn sách giáo khoa, xuất bản. Sách in đẹp, bìa dày, giấy trắng, giá rẻ vì được viện trợ từ cơ quan văn hóa Hoa Kỳ, nhưng… bán ế, vì chẳng học sinh nào dùng, và cũng không có thầy cô nào giới thiệu nên dùng.

Quyển Tập đọc lớp Năm đó, tôi nhớ mang máng do nhà xuất bản tư nhân Thanh Đạm nằm dưới chân cầu Trương Minh Giảng ấn hành, nhưng không nhớ tác giả biên soạn là ai. Còn nhiều câu chuyện hàng tuần khác tương tự như Tô canh hẹ trong sách này, đến giờ vẫn còn trong đầu tôi như in, thậm chí cả hình minh họa.

Sách giáo khoa bây giờ là mỏ vàng của các nhà “giáo dục” (lớn) với đủ thứ lý sự cao siêu trong đấy. Những thứ cao siêu này sẽ đeo đuổi cuộc đời học sinh sau này. Khi nào chúng hiểu ra sự thật về “mặt trời chân lý”, thì lúc đó mặt trời không còn “chói qua” tim, mà sẽ đốt cháy con tim.

Sau khi mẹ tôi mất, có khi chợt nghĩ đến tô canh hẹ, và cái “di họa” ân cần của bà, tôi ngậm ngùi thở dài. Tôi tự hỏi câu chuyện Tô canh hẹ và người tù đã gây ấn tượng và kéo dài suốt sáu mươi năm sau trong đầu một đứa trẻ như thế, có xứng đáng nằm trong sách giáo khoa lớp Một không? Có phải là một trong những chỉ tiêu giáo dục nhân cách cho trẻ không? Tôi không đủ tư cách trả lời câu hỏi này.

Vũ Thế Thành (trích “những thằng già nhớ Mẹ”, tái bản 2022)